Phần 1 sáng kiến kinh nghiệm: “SỬ DỤNG DI SẢN VĂN HÓA NINH BÌNH TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN CẤP THCS NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH”

PHẦN THỨ NHẤT: ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Lý do chọn đề tài:

         Khi nhân loại bước vào thế kỷ 21, xu hướng toàn cầu hoá và cách mạng công nghệ thì “một trong những chìa khoá để vượt qua những thách thức của thế kỷ mới là giáo dục”. Định hướng về giáo dục của UNESCO gồm 4 trụ cột đó là: “ Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Hoà cùng xu thế chung của thế giới, Giáo dục Việt nam cũng đang đổi mới một cách toàn diện. Nghị quyết trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của người học ; Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức , kỹ năng, phát triển năng lực.”.

Chính vì vậy, người giáo viên sẽ có một vai trò, vị trí mới. Muốn thực hiện tốt vai trò mới của mình thì người giáo viên phải tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Một trong những phương pháp dạy học hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong cải cách giáo dục đó là sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Điều đó không chỉ đòi hỏi người giáo viên giảng dạy bộ môn nắm bắt nhuần nhuyễn kiến thức bộ môn mình giảng dạy mà còn cần phải không ngừng trau dồi kiến thức về di sản để giúp học sinh có những hiểu biết về những giá trị của di sản, qua đó giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản, đồng thời, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa các hình thức dạy học trong môn Giáo dục Công dân.

Là người quản lý chỉ đạo chuyên môn cấp THCS, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở trường THCS, chúng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở trước mỗi bài dạy. Ngoài việc cung cấp kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, mỗi bài dạy cần sử dụng di sản như thế nào, đặc biệt là những di sản văn hóa của Ninh Bình, để làm sao có thể thực hiện tốt mục tiêu của giờ dạy, giúp học sinh có thêm những hiểu biết của mình về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng, có như vậy thì các em mới thực sự làm chủ được kiến thức. Đồng thời giáo dục học sinh những hiểu biết về quê hương, bồi dưỡng lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Giúp học sinh ý thức hơn việc học phải đi đôi với hành; rèn luyện các kĩ năng giải quyết tình huống trong cuộc sống và ứng dụng vào đời sống thực tế của học sinh.

Qua thực tế quá trình dạy học, nhất là khi dạy các bài có tính thực tiễn trong SGK môn GDCD và một số tiết thực hành ngoại khóa các vấn đề địa phương, chúng tôi thấy rằng việc sử dụng di sản văn hóa Ninh Bình trong một số tiết học môn GDCD và một số tiết thực hành ngoại khoá các vấn đề địa phương Ninh Bình nhằm phát triển năng lực học sinh là hết sức cần thiết, giúp học sinh hiểu rộng hơn về quê hương Ninh Bình, hiểu về lịch sử, thiên nhiên, văn hóa, các vấn đề về khoa học, xã hội của tỉnh ta. Từ đó giáo dục học sinh lòng tự hào, yêu mến quê hương, thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân phải làm gì để đóng góp công sức xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.

Xuất phát từ những lý do trên, để góp phần nâng cao chất lượng dạy học, chúng tôi đã chọn vấn đề: “Sử dụng di sản văn hóa Ninh Bình trong dạy môn Giáo dục Công dân nhằm phát triển năng lực của học sinh” làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm của mình.

Sáng kiến góp một số kinh nghiệm trong việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc dạy học theo di sản môn GDCD đối với các trường THCS trong toàn huyện, giúp cho việc nghiên cứu lí luận vào thực tiễn mà còn có khả năng vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của giáo viên trong quá trình công tác. Hy vọng kết quả nghiên cứu cũng sẽ là một tài liệu để các đồng nghiệp tham khảo, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong các tiết thực hành ngoại khoá các vấn đề địa phương Ninh Bình.

2. Cơ sở lý luận

   Khái niệm về di sản văn hóa:

Di sản văn hóa Việt Nambao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể (bao gồm di sản văn hóa và di sản thiên nhiên)là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đặc điểm của di sản văn hóa Việt Nam:

Di sản văn hóa Việt Nam là những giá trị kết tinh từ sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc, trải qua một quá trình lịch sử lâu đời, được trao truyền, kế thừa và tái sáng tạo từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Di sản văn hóa Việt Nam là bức tranh đa dạng văn hóa, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Di sản văn hóa Việt Nam là những giá trị sáng tạo từ việc học hỏi, giao lưu và kế thừa từ các nền văn hóa và văn minh của nhân loại. Những giá trị đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa và văn minh của nhân loại với nền văn hóa bản địa lâu đời của các dân tộc Việt Nam.

Di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mạnh mẽ, đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua Luật di sản văn hóa năm 2001 (có hiệu lực từ 01/01/2002), được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Phân loại di sản:

Di sản văn hóa Việt Nam được chia thành hai loại: Di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.

Di sản văn hóa vật thể bao gồm:

- Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

- Danh lam thắng cảnh còn gọi là di sản thiên nhiên là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học.

- Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

- Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

- Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:

Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; 

Ngữ văn dân gian, bao gồm: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết; 

Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm: Âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác;

Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác; 

Lễ hội truyền thống; 

Nghề thủ công truyền thống;

Tri thức dân gian.

Di sản văn hoá Việt Nam là những giá trị kết tinh từ sự sáng tạo văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em. Trải qua một quá trình lịch sử lâu đời, các di sản được kế thừa và sáng tạo từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay tạo nên bức tranh văn hoá đa dạng.

Mục đích của nền giáo dục của chúng ta luôn hướng tới việc phát triển toàn diện cho HS vì vậy những hiểu biết về di sản văn hóa sẽ làm dầy thêm vồn kiến thức của các em và đặc biệt giúp HS phát triển về trí tuệ. Khi cho HS tiếp cận với di sản đúng mục đích, với phương pháp dạy học phù hợp và sự hướng dẫn chi tiết mang tính định hướng, kích thích tư duy, GV sẽ giúp HS phát triển khả năng quan sát, khả năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp và so sánh, qua đó phát triển trí tuệ của các em.

Di sản văn hóa chính là một trong những phương tiện dạy học đa dạng sống động nhất. Ẩn chứa trong di sản là những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nên nó có khả năng tác động mạnh tới tình cảm, đạo đức, tới việc hình thành nhân cách của HS. Khai thác được những giá trị ẩn chứa trong các di sản và chuyển giao cho HS để các em cũng nhận thức được những giá trị đó thì GV sẽ giúp HS nhận thức thế giới xung quanh, đồng thời giúp các em  có cơ sở giải thích một cách khoa học các sự vật, hiện tượng liên quan đến di sản, giúp học sinh có khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Trong quá trình học tập với di sản, HS được rèn luyện cách trình bày, diễn đạt suy nghĩ, quan điểm,  mong muốn, cảm xúc của bản thân dưới hình thức nói, viết một cách phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và văn hóa giao tiếp. Đồng thời các em cũng biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác ngay cả khi bất đồng quan điểm. Kỹ năng này giúp HS có mối quan hệ tích cực với nguời khác, đồng thời biết cách xây dựng mối quan hệ với bạn bè mới.

Làm việc với di sản, HS có được môi trường giao tiếp cởi mở với bạn bè không chỉ trong phạm vi lớp học mà cả với những đối tượng khác mà các em gặp gỡ. Trong quá trình tiếp cận với di sản, GV lưu ý cách thức giao tiếp phù hợp cũng chính là góp phần phát triển ở các em một loại kỹ năng sống cần thiết.

Trong quá trình dạy học thông qua việc tiếp cận di sản, GV không chỉ thuyết trình về các hiện tượng, sự vật mà cần tìm hiểu, hướng dẫn HS tự quan sát, thu thập thông tin, trao đổi trong nhóm để xử lý các thông tin. Qua đó các em sẽ có những kiến thức về di sản và có thể trình bày lại những hiểu biết của cá nhân mình hoặc của nhóm mà mình đã thu lượm được.

Đối với giáo viên , để làm cho hoạt động phong phú và hiệu quả, GV có thể phát động, hướng dẫn các em tổ chức triển lãm những hiện vật, bài viết giới thiệu về di sản do các em sưu tầm được.

Môi trường làm việc thay đổi đòi hỏi GV phải có phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học phù hợp, sao cho tập thể HS được lôi cuốn vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản; đòi hỏi từng HS phải làm việc thực sự và phải biết hợp tác với bạn để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của HS đối với di sản văn hoá”. 

Thực tế, các hoạt động gắn kết giữa di sản, bảo tàng với hoạt động giáo dục bấy lâu đã được triển khai thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan, đặc biệt là qua phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được triển khai rộng rãi vài năm nay... Song theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa, công tác giáo dục di sản trong nhà trường còn nhỏ lẻ, chưa được tiến hành một cách bài bản và thường xuyên. Còn phong trào Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực mặc dù có những kết quả tích cực, nhưng nó chỉ mang tính phong trào, chưa thực sự đi vào đời sống giáo dục...

Mới đây nhất, Bộ GD - ĐT được sự hỗ trợ của UNESCO Hà Nội đã biên soạn cuốn tài liệu “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông”. Phần nội dung của tài liệu là thiết kế bài học (giáo án) sử dụng di sản trong dạy học theo cấp THCS và THPT của các môn lịch sử, địa lý, âm nhạc.

        Sáng kiến kinh nghiệm: “Sử dụng di sản văn hóa Ninh Bình trong dạy môn Giáo dục Công dân nhằm phát triển năng lực của học sinh” hy vọng góp phần nâng cao hiệu quả của việc sử dụng di sản trong giảng dạy nói chung và trong dạy môn GDCD nói riêng.

3. Cơ sở thực tiễn.                                                           

3.1. Thuận lợi:

         Sử dụng di sản trong dạy học đang là xu thế chung của giáo dục Việt Nam nên được sự ủng hộ từ các cấp: Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và các tổ chức xã hội, phụ huynh, học sinh…

         Chương trình môn Giáo dục công dân nói chung và chương trình thực hành ngoại khoá các vấn đề địa phương Ninh Bình nói riêng có nhiều bài, nhiều nội dung phù hợp với việc sử dụng di sản làm phương tiện dạy học.

   Trước đây hoạt động gắn kết giữa di sản, bảo tàng với hoạt động giáo dục bấy lâu đã được triển khai thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan, đặc biệt là qua phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

         Về cơ sở vật chất đã có một số đổi mới, tạo điều kiện cho việc thực hiện các phương pháp mới, tạo hứng thú cho học sinh như: phòng CNTT, Máy chiếu, bảng phụ, cách bố trí bàn ghế, chỗ ngồi cho học sinh…

         Trong những năm học qua, phòng GD&ĐT Hoa đã chỉ đạo các trường THCS trong địa bàn huyện thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Học sinh trong toàn huyện đã được tìm hiểu, chăm sóc, bảo vệ một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Coi trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền học tập nâng cao nhận thức cho giáo viên về dạy học gắn kết với di sản. Thường xuyên tổ chức hoạt động chuyên đề, các tiết dạy có sử dụng di sản trong những đợt hội giảng. Tổ chức các tiết học thực địa, hoạt động ngoại khóa, tham gia đầy đủ các cuộc thi do Sở GD&ĐT Ninh Bình tổ chức, đặc biệt là cuộc thi: “Em yêu Lịch sử Việt Nam” với ý thức nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao.

         Xã hội hiện nay với sự đa dạng về các kênh thông tin tạo điều kiện cho con người (giáo viên và học sinh) có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn kiến thức về di sản từ nhiều phương tiện khác nhau từ đó mở rộng nâng cao hiểu biết về di sản.

3.2. Khó khăn

         Ở một số nhà trường, vẫn còn có những cán bộ quản lý chưa thật quan tâm thường xuyên đến vấn đề này, giao khoán cho toàn bộ giáo viên; một số giáo viên còn thụ động trong việc nghiên cứu, thiết kế nội dung và tiến trình sử dụng di sản trong dạy học, chưa thật chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về di sản để sử dụng trong dạy học. Việc hiểu và sử dụng di sản trong dạy học ở giáo viên còn chưa thống nhất; một số giáo viên chưa vận dụng thành thục tiến trình sư phạm của bài giảng sử dụng di sản trong dạy học dẫn đến việc áp dụng khiên cưỡng, thiếu hiệu quả.

           Việc xây dựng nguồn tài liệu giới thiệu về các di sản còn thiếu do đó giáo viên gặp khó khăn về nội dung các di sản có liên quan đến bài học. Bên cạnh đó, còn gặp một số khó khăn nữa liên quan đến vấn đề kinh phí và thời gian.

         Học sinh ít đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu, học tập bộ môn (bộ môn khoa học xã hội) do lối sống thực dụng như hiện nay, do áp lực thi cử, áp lực từ phía gia đình.

         Cơ sở vật chất có đổi mới nhưng chưa thực sự phù hợp với một số phương pháp dạy học tích hợp như số học sinh trên một lớp đông, không gian lớp học còn hẹp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn sơ sài, thời gian tiết học còn hạn chế...

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme