MỞ ĐẦU SKKN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH QUA PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THEO TÌNH HUỐNG TRONG MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN 12

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá đặt ra những yêu cầu mới đối với người lao động, do đó cũng đặt ra những yêu cầu mới cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nguồn nhân lực. Một trong những định hướng cơ bản của việc đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục mang tính hàn lâm, kinh viện, xa rời thực tiễn sang một nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Định hướng quan trọng trong đổi mới Phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo, phát triển năng lực hành động, năng lực cộng tác làm việc của người học. Đó cũng là những xu hướng quốc tế trong cải cách phương pháp dạy học ở nhà trường phổ thông.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, cần có nhận thức đúng về bản chất của đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học và một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng này.

Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học.

Trước bối cảnh đó năm 2002 bắt đầu triển khai chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới mà trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. Các cơ sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức các hội thảo chuyên đề, các lớp bồi dưỡng, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp, động viên khen thưởng kịp thời... Đặc biệt việc triển khai “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học”, theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; Triển khai “Mô hình trường học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh”; Triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông theo Hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013 của bộ giáo dục và Đào tạo; Triển khai áp dụng phương pháp “ Bàn tay nặn bột” theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quan tâm, chỉ đạo đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá như: Hướng dẫn áp dụng Ma trận đề thi theo công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH ngày 30/12/2010 về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, vừa chú ý đến tính bao quát nội dung dạy học vừa quan tâm kiểm tra trình độ tư duy của học sinh; Thực hiện chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đã hạn chế được nhiều tiêu cực trong thi cử, kiểm tra. Bản thân mỗi giáo viên đã đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức hoạt động dạy học, vận dụng được quy trình kiểm tra, đánh giá mới.

Bên cạnh đó nhiều dự án của Bộ giáo dục và đào tạo đã và đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước (Ứng dụng công nghệ thông tin); Tăng cường hoạt động tự làm thiết bị dạy học của giáo viên và học sinh.

Chính vì mục tiêu trên, có thể khẳng định rằng, các phương pháp dạy học đã biến quá trình học của học sinh từ thụ động sang chủ động, từ việc nghe giảng sang hoạt động tư duy, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên- học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội.

Chương trình dạy học truyền thống có thể gọi là chương trình giáo dục “ định hướng nội dung” dạy học hay “định hướng đầu vào”, chương trình này chú trọng việc truyền thụ hệ thống tri thức khoa học khách quan về nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nó chưa chú trọng đến những tình huống thực tiễn, nên ngày nay nó không còn thích hợp nữa vì tri thức khoa học luôn thay đổi theo thời gian, việc quy định cứng nhắc những nội dung chi tiết trong chương trình dạy học dẫn đến tình trạng nội dung bị lạc hậu so với tri thức hiện đại, định hướng khả năng vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn còn hạn chế, sản phẩm giáo dục là những con người mang tính thụ động, hạn chế khả năng sáng tạo và năng động.

Chương trình giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất và nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống thực tiễn.

Ở trường THPT môn Giáo dục công dân có vai trò quan trọng trong việc trực tiếp hình thành ý thức chính trị, hành vi đạo đức, pháp luật và lối sống cho học sinh. Môn học này có đặc điểm là gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống thực tiễn sinh động của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính đặc điểm này giúp cho môn Giáo dục công dân có những lợi thế để giáo viên có những phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát triển các năng lực cho học sinh, đặc biệt là các năng lực chuyên biệt như: Tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội; Tự chịu trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm công dân với cộng đồng, đất nước; Giải quyết các vấn đề đạo đức, pháp luật, chính trị, xã hội. Môn GDCD cùng các môn học khác đều nhằm vào mục tiêu đó. Với vị trí và chức năng của môn học, môn Giáo dục công dân cần phải có những chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm làm thay đổi quan niệm của học sinh coi đây là môn học phụ và là một môn học mà các bậc phụ huynh ít quan tâm. Từ đó giúp cho học sinh và các bậc phụ huynh hiểu đúng đắn môn Giáo dục công dân, phải hiểu nó là một môn khoa học và được đối xử “bình đẳng” như các môn học khác, tác dụng của môn học đối với việc hình thành phẩm chất, chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhân cách của con người mới trong giai đoạn sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Giáo dục công dân, tôi đã chọn đề tài “Phát triển năng lực học sinh qua phương pháp dạy học theo tình huống trong bộ môn Giáo dục công dân 12 ”.

Tôi hy vọng rằng sáng kiến kinh nghiệm có khả năng vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của mình trong quá trình công tác và là một tài liệu để đồng nghiệp tham khảo góp phần đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn.

Đề tài này chắc chắn không tránh khỏi những sai xót, rất mong sự góp ý của các thầy cô đồng nghiệp để đề tài hoàn thiện hơn.

 

II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Lịch sử phát triển của giáo dục, phát triển năng lực học sinh qua phương pháp dạy học theo tình huống là một trong những phương pháp được quan tâm nghiên cứu từ rất sớm cả về mặt lý luận và thực tiễn nhằm phát huy vai trò tích cực của người dạy và người học. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn phát triển của lịch sử, phương pháp dạy học theo tình huống đã được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trong một bài viết của mình, tác giả Trịnh Đình Tùng nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã khẳng định: “Khi hướng dẫn học sinh nắm kiến thức cơ bản, giáo viên cần chú ý đến “ nhu cầu tư duy” của học sinh, khi các em tiếp thu kiến thức mới, hoặc muốn hiểu sâu sắc, làm phong phú hơn kiến thức đã biết. Trong trường hợp này ở học sinh xuất hiện những thắc mắc, những vấn đề được đặt ra để giải quyết, các nhà giáo dục học gọi trường hợp như trên là tình huống có vấn đề. Trong dạy học giáo viên luôn luôn chú trọng khêu gợi học sinh đặt vấn đề tìm hiểu, không dừng ở việc thụ động tiếp thu. Đặt câu hỏi nêu ra điều mình chưa biết là một yếu tố quan trọng để học tập thông minh, chủ động. Vấn đề đặt ra là phải nhằm vào bản chất, những điều quan trọng để hiểu sự kiện, chứ không phải là những chi tiết vụn vặt, hình thức bên ngoài. Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm cách giải quyết vấn đề, sau đó tiếp thu và củng cố kiến thức mới…Cách dạy học như vậy được gọi là dạy học theo tình huống , khác hẳn với cách giảng dạy nhồi nhét, học sinh chỉ biết nghe, ghi, nhớ mà lười suy nghĩ. Dạy học theo tình huống sẽ phát huy tính tích cực tự nhận thức của học sinh. Một trong những đặc trưng cơ bản của việc phát triển tư duy của học sinh là phát huy năng lực độc lập học tập, phát triển trí thông minh óc sáng tạo của các em trong việc biết tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên và trao đổi với bạn học.

Về bản chất, dạy học theo tình huống không phải là một phương pháp dạy học cụ thể mà là nguyên tắc chỉ đạo việc tiến hành của nhiều phương pháp dạy học liên kết với nhau, trong đó giáo viên tạo ra tình huống có vấn đề, nêu vấn đề và tổ chức, thúc đẩy hoạt động tìm tòi sáng tạo của học sinh giải quyết vấn đề”. Nhiệm vụ của người giáo viên trong dạỵ học truyền thống là người truyền đạt kiến thức cho học sinh. Kiến thức đã được giáo viên chuẩn bị sẵn và cung cấp cho học sinh ở trên lớp theo kiểu giáo viên giảng (đọc), học sinh chép. Giáo viên là người có sứ mạng truyền thụ kiến thức cho học sinh, là trung tâm của giờ học, còn học sinh đóng vai trò thụ động, chờ đợi kiến thức do người giáo viên cung cấp. Nhưng tri thức loài người ngày càng phát triển phong phú, trong một thời lượng cho phép hết sức hạn hẹp, giáo viên không thể cung cấp cho học sinh tất cả những gì thuộc về chuyên môn của mình. Hơn nữa, nếu có cung cấp được thì những kiến thức do giáo viên đưa ra, học sinh tiếp thu một cách thụ động, sẽ không vững chắc trong nhận thức của học sinh.

Khoa học giáo dục đã chỉ ra rằng, quá trình học phải là một quá trình chủ động lĩnh hội kiến thức của học sinh, phải là quá trình tự đào tạo thì việc nắm kiến thức mới lâu dài và bền vững. Đã từ lâu các nhà giáo dục đã khởi xướng một kiểu dạy học mới, theo đó thay đổi hắn quan niệm về vị trí của người giáo viên ở trên lớp. Giáo viên từ vai trò là trung tâm lớp học, người giữ đặc quyền trong việc cung cấp kiến thức có sẵn cho học sinh trở thành người tổ chức hướng dẫn học sinh tự tìm đến kiến thức, biến việc học trở thành một nhu cầu tự thân. Có nhiều cách gọi khác nhau về kiểu dạy học này như: “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” “ dạy học tích cực”, “dạy học tự học”, “dạy học theo tình huống ”, “dạy học Ơritic”…Dù có tên gọi khác nhau, nhưng nội dung cơ bản của các quan niệm dạy học này đều nhằm đến mục tiêu là phải tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh, biến việc học tập của học sinh trở nên hứng thú, trở thành nhu cầu của chính người học”.

Đặc biệt cuốn “Tài liệu dạy học và kiểm tra, đanh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Giáo dục công dân ” của Bộ giáo dục và đào tạo đã gợi mở các biện pháp nhằm phát huy năng lực của học sinh cấp THPT.

Dạy học theo tình huống là một quan điểm dạy học, trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Quá trình học tập được tổ chức trong một môi trường học tập tạo điều kiện cho học sinh kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mối tương tác xã hội của việc học tập.

Các chủ đề dạy học phức hợp là những chủ đề có nội dung liên quan đến nhiều môn học hoặc lĩnh vực tri thức khác nhau, gắn với thực tiễn. Trong nhà trường các môn học được phân theo các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, còn cuộc sống thì luôn diễn ra các mối quan hệ phức hợp. Vì vậy sử dụng các chủ đề dạy học phức hợp góp phần khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn của các môn khoa học chuyên môn, rèn cho học sinh năng lực giải quyết vấn đề phức hợp, liên môn.

Phương pháp nghiên cứu theo trường hợp là một phương pháp dạy học điển hình của dạy học theo tình huống, trong đó học sinh tự lực giải quyết một tình huống điển hình, gắn với thực tiễn thông qua làm việc nhóm.

Vận dụng dạy học theo các tình huống gắn với thực tiễn là con đường quan trọng để gắn việc đào tạo trong nhà trường với thực tiễn đời sống, góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn hiện nay của nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên nếu các tình huống được đưa vào dạy học là những tình huống mô phỏng lại, thì chưa phải là tình huống thực. Nếu chỉ giải quyết vấn đề trong phòng học lí thuyết thì học sinh cũng chưa có hoạt động thực tiễn thực sự, chưa có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành.

Chính vì vậy, hoàn thành vấn đề này với tôi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có thể vận dụng lý luận vào dạy học và khả năng vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của bản thân trong quá trình công tác.

III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

Vận dụng dạy học theo tình huống trong bộ môn Giáo dục công dân 12 nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, khắc phục tình trạng dạy học theo kiểu giáo điều, thụ động , giáo viên đọc cho học sinh chép những kiến thức có sẵn.

IV. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU    

Qua thực tế giảng dạy tôi thấy việc đổi mới phương pháp là rất quan trọng. Đó là vấn đề đã được đề cập đến nhưng tôi thấy chưa thật hiệu quả. Tôi nghiên cứu đề tài này nhằm tìm ra phương pháp, giải pháp phù hợp nhằm “Phát triển năng lực học sinh qua phương pháp dạy học theo tình huống trong môn Giáo dục công dân 12”

V. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Học sinh lớp 12 THPT nhằm “ Phát triển năng lực học sinh qua phương pháp dạy học theo tình huống”

VI. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Một số bài giảng trong chương trình Giáo dục công dân 12

VII. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

Để nghiên cứu đề tài này, tôi đã sử dụng những phương pháp sau:

- Nghiên cứu cơ sở lý luận về những vấn đề liên quan đến đề tài của những nhà khoa học giáo dục ở nước ta.

- Nghiên cứu lý luận các quan điểm của chủ nghĩa Mac- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta bàn về giáo dục.

- Tiến hành thực nghiệm sư phạm về các biện pháp có liên quan đến đề tài, so sánh đối chiếu với lớp đối chứng để rút ra kết luận.

- Tiến hành điều tra, khảo sát thực tiễn dạy học Giáo dục công dân 12 ở trường THPT Ngô Thì Nhậm.

- Cụ thể là một số bài giảng trong chương trình Giáo dục công dân 12

Đề tài được viết dựa trên các phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

- Phương pháp quan sát, khảo sát, so sánh.

- Phương pháp phỏng vấn, điều tra.

- Phương pháp thống kê toán học.

- Phương pháp tổng hợp.

- Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp.

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme