Luận văn văn học :đất - Một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ Mai Văn Phấn

Luận văn văn học Đất - Một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ Mai Văn Phấn là một luận văn xuất sắc. Luận văn đã phân tích được cái hồn trong thơ Mai Văn Phấn.

LUẬN VĂN

ĐẤT - MỘT BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO   TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

Tác giả : Nguyễn Thị Yến

1. Mai Văn Phấn là một gương mặt nổi bật của thơ Việt Nam đương đại. Thơ ông là một hành trình tìm tòi, cách tân và sáng tạo không biết mệt mỏi về mặt thi pháp. Qua mỗi tập thơ, Mai Văn Phấn lại xuất hiện với diện mạo tinh thần mới. Ấy là những cuộc “vong thân” và “vượt thoát” khác nhau để thi sĩ kiếm tìm một chân trời mới, một đích đến mới và với Mai Văn Phấn, cái đích cuối cùng là đưa thơ ca Việt vươn tầm thế giới

Đọc thơ Mai Văn Phấn, bạn đọc dễ nhận ra hai tuyến hình ảnh - biểu tượng làm nên vẻ đẹp tượng trưng - siêu thực trong thế giới nghệ thuật ấy: một - Con người và một - Thiên nhiên. Con người với vẻ đẹp được kết tinh từ những anh, em, tôi, hắn,... Còn Thiên nhiên là cả thế giới của những cỏ câyhoa lá, sông núi, đất đai, gió, nước, trăng,... Tất cả tạo nên một “bản tổng hòa” sắc đẹp của vạn vật, vũ trụ, đầy sức sống. Trong thế giới nghệ thuật ấy, đất là một biểu tượng nổi bật, có ý nghĩa nhân sinh, văn hóa - thẩm mĩ vô cùng độc đáo.

 

2. Khảo sát thơ Mai Văn Phấn, (cụ thể trong mười một tập thơ: Giọt nắng - 1992, Gọi xanh - 1995, Cầu nguyện ban mai - 1997, Nghi lễ nhận tên - 1999, Trường ca Người cùng thời - 1999, Vách nước - 2003, Hôm sau - 2009, và đột nhiên gió thổi - 2009, Bầu trời không mái che - 2010, hoa giấu mặt - 2012, Vừa sinh ra ở đó – 2013), chúng tôi nhận thấy rằng biểu tượng đất xuất hiện với mật độ dày đặc: 267 lần. Điều ấy không phải ngẫu nhiên: đất chính  là một điểm sáng thẩm mỹ thể hiện khá tập trung nét độc đáo trong tư duy sáng tạo và đời sống tâm hồn của cái tôi tác giả.

 

Trong hoạt động sáng tạo của mình, Mai Văn Phấn luôn có ý thức tìm về thiên nhiên, hướng tới không gian thiên nhiên đẹp, trong sạch và thuần khiết để nuôi dưỡng, thanh tẩy hồn mình trước những xô bồ, hỗn tạp của đời sống. Cho nên nói đến đất trong thơ ông, đầu tiên là nói đến một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh của thiên nhiên, đời sống, vũ trụ, tập trung ở hai khía cạnh: phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở.

 

Trước hết, “phì nhiêu” vốn là một tính từ luôn gắn liền với đất. Trong lĩnh vực địa lý có hẳn khái niệm “độ phì nhiêu của đất” (là tổng hợp các điều kiện, các yếu tố để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt) [16]. Tuy nhiên, bước vào thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn ta vẫn phải “choáng ngợp” trước vẻ đẹp mỡ màng, “ứ căng”, “tươi ròng” của nó. Và cùng với cỏ cây, hoa lá, sông núi, bầu trời, mây gió, ánh nắng, cơn mưa,… tất cả cùng tạo nên một thế giới phồn thực, căng tràn nhựa sống; một không gian đa thanh, đa sắc. Hãy nghe: Âm hưởng xa xưa chảy vào miệng đất/ Dòng sữa ứa lên cỏ cây tiếng muông thú côn trùng/ Bông lúa cúi đầu tạ ơn gió mưa hòa thuận/ Hạnh phúc nhận ra mình trước mầm cây, giọt sương hay lá mục/ Ta run lên trong nhịp đập thiên nhiên (Chương IX: Cộng hưởng III). Đó cũng chính là điều kiện tuyệt vời để cùng với những hình ảnh, hoạt động như gieo hạt, hạt giống, cánh đồng, lúa/ mạ, cày cuốc, mùa màng, mầm nụ,... góp nhặt vào “công cuộc gieo trồng”, mà ở đó tất cả đều hướng đến một mục đích sau nhất: sinh sôi, nảy nở và “tái tạo mùa sau”.

 

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố chỉ điều kiện tự nhiên và các sự vật, hoạt động gắn với “công cuộc gieo trồng” và thấy rằng tần số xuất hiện của chúng là rất cao. Xin dẫn ra một số kết quả cụ thể. Về số lần xuất hiện các yếu tố tự nhiên: nước (297 lần); đất (267 lần); ánh sáng (187 lần); gió (186 lần), mưa (170 lần), nắng(91 lần), phù sa (20 lần), bùn (17 lần)… Về các sự vật và hoạt động của con người: cánh đồng/ thửa ruộng (67 lần), mùa màng (64 lần); hạt giống (59 lần); mầm nụ (54 lần); lúa/ mạ/ thóc (34 lần); sinh nở/ tái sinh (65 lần); gieo trồng (29 lần); cày cuốc (18 lần)…

 

Những yếu tố chỉ điều kiện sinh trưởng tự nhiên thiết yếu cho “công cuộc gieo trồng” và những hình ảnh, sự vật, hoạt động gắn liền với công cuộc đó đã cùng tạo nên “Bài hát mùa màng” đầy sức sống trong thơ Mai Văn Phấn:

 

Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở

Em đổ từng trận lũ dại cuồng

Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ

 

Con chim cắt không gian rộng để lại đường bay bất tận

 

Cội rễ anh vươn mắt em nhìn tươi tốt

Từng hạt mầm phun hơi ấm lòng đất ướt

từ hơi thở làm bầu trời đổi khác

từ khoảng không được quyền kiến tạo đám mây

 

Mắt rạ rơm đốt thiêu mùa cũ

Đổi thay cách nhìn và khoảng trống chân trời

đất nhận cả những gì còn cháy dở

mùa mới về tự tin, nghiền nát và xóa hết

Nụ hôn nín thinh, tỏa nhiệt, khoan vào lòng đất

chạm những mạch ngầm ứ căng huyền bí thuở xưa

Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt

dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời

 

Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục

Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt

Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất

Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ.

 

Mọi ý thơ cứ xô đẩy cuốn theo nhau ráo riết, tạo thành khúc ca nồng nhiệt cháy bỏng của tình yêu, của sự khát khao sinh nở. Ở đó, tình yêu của em đã giúp anh thoát khỏi “ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ” – một không gian chật hẹp, khuôn khổ để đến với một không gian khác bao la, rộng lớn. Đó chính là không gian tự nhiên, không gian vũ trụ, được kết đọng trong hình ảnh đất đai “mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời”. Nó thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt và lớn lao tái sinh mùa màng và “làm bầu trời đổi khác”. Có thể nói, bài thơ là sự giải phóng tối đa trí tưởng tượng của tác giả với những hình ảnh “tươi tốt”, “ứ căng”, “mỡ màu”, “phồn thực bời bời”, “chín rục”, “tươi ròng”… - những tính từ chỉ trạng thái, cảm giác “cực điểm” về sự tràn trề năng lượng, chúng tác động trực tiếp vào tri giác người đọc và gây một ấn tượng hết sức mạnh mẽ.

 

Với Mai Văn Phấn trạng thái mang thai/ hoài thai/ thai nghén, tái sinh/ sinh nở là những biểu hiện đẹp đẽ nhất của đời sống trần thế. Chính vì vậy, những hình ảnh “đất mang thai”, “đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ”, “mặt đất vừa qua phútlâm bồn”, “đất đai hồi sinh”… xuất hiện khá nhiều trong thơ ông, như: Mộng duNghe tin em sinh con, Những bông hoamùa thu,… Ở đó, đất đã được hình dung như một cơ thể nữ giới phồn thực, cũng trải qua “sứ mệnh” thiêng liêng, cao cả của mình: làm “Mẹ” tự nhiên, duy trì nòi giống - quy luật sinh hóa vĩnh cửu của đời sống.

 

Trong quan niệm xưa nay, đất luôn được xem là yếu tố tĩnh, cố định, nhưng khi bước vào thế giới thơ Mai Văn Phấn, nó không còn bị/ được hình dung như một sự vật  bất động, vô tri vô giác nữa, ngược lại như một sinh thể luôn chuyển động, luôn “hồi sinh”, “tái sinh”, luôn căng tràn và mang hơi thở, bóng dáng, nhịp sống vốn chỉ có ở con người: Đất nặng nhọc gối đầu lên biển cả/ Từng lòng cây, tảng đá, dấu chân/ Kê cao thêm cho anh dễ thở (Đường bay) hay Biển có dài dại/ Đất có ngây ngây/ Mặt trời vẫn thức/ ở trong đế giày (Chương IX: Cộng hưởng III); thêm nữa: “Từ một điểm bất kì tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ. Hơi thở thác nước dựng em chất ngất, mát khôn nguôi” (Vòng cung thời gian) vàTiếng đất reo/ Rễ cây duỗi mềm mại/ Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới (Hình đám cỏ - Nhịp IV). Chính nhờ vào cách ngắt nhịp thơ hết sức đa dạng, linh hoạt, câu thơ trở nên “phóng túng”, phá vỡ mọi trật tự, niêm luật vốn có và xu hướng “văn xuôi hóa” xuất hiện như một tất yếu, thể hiện sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ của mọi sự vật và sự cuộn xiết của mạch cảm xúc. Ở đó, con người, cụ thể là tác giả dường như bị “xô đẩy”, “choáng ngợp” trước nhịp sống, nhịp chảy trôi không cùng của đời sống tự nhiên đầy sung mãn. Là một biểu tượng lớn nằm trong một hệ biểu tượng lớn hơn, đất còn là sự ám gợi về một cuộc sinh thành lớn của vũ trụ. Nó cùng với ánh sáng, không khí, gió cấu thành sự sống của con người: Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây (Vô tình trong nắng sớm); Gió cuộn anh vào cây/ cho trái chín (Tỉnh dậy trong mưa);… Ngoài ra, đất còn là một trong năm yếu tố ngũ hành, còn gọi là Thổ. Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy. Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật [17]. Đấy là mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau kiến thiết vũ trụ, tạo nên vẻ đa dạng cho thế giới tự nhiên.

 

Tuy nhiên, ý nghĩa này thực ra không mới. Bởi trước Mai Văn Phấn, đất với nghĩa là Mẫu, là Mẹ gắn với sự phì nhiêu và sinh sôi nảy nở đã được quan niệm từ lâu. Chẳng hạn, trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, đất đã được định nghĩa như sau: “Đất là cái bản thể vũ trụ Prakriti, là cái hỗn mang nguyên thủy, là materia prima tách ra khỏi nước, theo sách Sáng thế hay được con lợn lòi của Vishnu đưa lên trên mặt nước; hay được các á thần của Shintô (Thần Đạo) làm đông tụ lại. Nó là vật liệu mà tạo hóa tạo ra con người. Đất là trinh nữ mà thân thể được lưỡi mai, lưỡi cày xuyên vào, được mưa hoặc máu, tinh dịch của Trời làm thụ thai. Khắp nơi trong hoàn vũ, đất là một tử cung thai nghén những nguồn nước, khoáng sản, kim loại… Được đồng nhất với người mẹ, đất là một biểu tượng của sức sản sinh và tái sinh. Đất sinh ra mọi sinh vật, nuôi dưỡng muôn loài để rồi tiếp nhận lại từ chúng cái mầm đầy sức sinh nở. Theo thần hệ của Hesiode, đất đã sinh ra ngay cả Trời, sau đó trời mới phủ đất để sinh ra tất cả chư thần. Các thần đã bắt chước cuộc hôn phối đầu tiên này, rồi đến người, đến động vật, đất đã tỏ ra là gốc của mọi sự sống, và được đặt tên là Bà, là Tổ thân mẫu” [1; 287, 288]. TrongThần thoại Hi Lạpđất cũng được nhắc đến với ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, là nguồn gốc của vũ trụ, của muôn loài: “Từ Khaôx đã ra đời Gaia. Đất Mẹ của muôn loài, có bộ ngực mênh mang. Chính Đất Mẹ Gaia là nơi sinh cơ lập nghiệp bền vững đời đời của muôn vàn sinh linh, vạn vật… Nữ thần Đất Mẹ Gaia có bộ ngực nở nang tràn đầy sức sống. Đứa con đầu lòng của nàng là Uranôx - Bầu Trời sao nhấp nhánh (Ou - ranos, Ciel)… Nàng lại còn đẻ ra Núi (Montaque) cao vút, sừng sững, nghênh ngang. Biển - Pôngtôx (Pontos) mênh mông, khi hung dữ gầm thét, lúc hiền dịu rì rào. Trời, Núi, Biển như vậy đều do nữ thần Đất Mẹ Gaia sinh ra. Chúng là những đứa con không cha, bởi vì khi ấy mẹ chúng chưa cùng ai kết bạn. Đối với thần thì điều ấy chẳng có gì đáng lạ” [2; 41, 42]. Còn trong đời sống văn hóa người Việt, đất được xem là địa bàn cư trú và là nơi mà con người sinh ra rồi trở về. Nếp suy nghĩ ấy xuất hiện trong rất nhiều  ca dao, tục ngữ. Ở đó, đất là nơi con người sinh cơ, lập nghiệp, là “móng nền vững chắc” cho mọi vật của thế gian tồn tại, sinh trưởng:

 

Dưới đất có đông, có tây

Có nam có bắc có cây ngô đồng

Dưới đất có núi có sông

Có thuyền chở khách có ông lái đò

Dưới đất có vườn trồng hoa

Đó là hoa cúc đây là hoa lan

Dưới đất có chùa trăm gian

Có động Từ Thức, có hang lên trời…

 

Đất còn xuất hiện khá đậm nét trong thơ ca Cách mạng, trở thành một biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh và vẻ đẹp của dân tộc, đất nước, quê hương. Ta hãy đọc lại những câu thơ của Tố Hữu:

 

Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng

Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công

Như những con tàu giữa biển mênh mông

Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến.

 

Cũng có lẽ, hỡi bạn đời yêu mến

Bờ đương mờ, hải cảng hãy còn xa

Có lẽ nhiều mỏm đá với phong ba

Sẽ đánh đắm một đôi tàu mỏng mảnh!

(Như những con tàu)

 

Tuy nhiên, sống trong thời đại mới, nhà thơ không phải chịu sự bó buộc của hoàn cảnh, của điều kiện lịch sử dân tộc, cùng với đó là sự khác biệt về tư duy thơ đã giúp Mai Văn Phấn rời xa kiểu thơ chính trị - thế sự vốn tồn tại trong một thời gian dài của một giai đoạn văn học để bước sang thơ triết lý song không xa rời thế sự, ngược lại, bám sát đời sống nhân sinh – thế sự như nó vốn có. Đây chính là khám phá mới của một nhà thơ rất chú trọng đến lẽ sống tự nhiên, khát khao hướng đến nét đẹp nguyên sinh, khởi thủy của đời sống và con người.

 

Là một nhà thơ rất có ý thức cách tân, không ngại những “va đập”, thách thức của đời sống, của thị hiếu thẩm mỹ số đông; sẵn sàng đi ngược lại với quan niệm và thi pháp truyền thống,đất trong thơ Mai Văn Phấn bên cạnh nghĩa gốc của biểu tượng còn nảy sinh những ý nghĩa văn hóa - thẩm mỹ mới, mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo. Ở đây, đất còn chính là hiện thân cho vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu, một thứ tình yêu mang đậm dục tính. Nói như vậy không có nghĩa ta đồng nhất thơ ông với sex, với cái dung tục tầm thường, với sự trần trụi của “dục tính” hiển lộ trên nghĩa bề mặt của nó. Ngược lại, thơ ông vẫn thanh sạch, vẫn tế nhị, bởi không chỉ nói về những hoạt động tính giao, về sự quan hệ xác thịt, mà trên hết, tình yêu ấy, dục tính ấy mang đậm tính tượng trưng phổ quát:

 

Mùa thu đổ những dòng thép nóng

Chảy về chầm chậm rót vào khuôn.

 

Vào hàng cây vừa chạy qua mùa hè rũ rợi

Cánh đồng nhìn mây bằng gốc rạ tươi

Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc

Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ

Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế

Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da.

 

Vọng tiếng reo trên nguồn rừng góc bể

Hay tự nơi nào vừa tan chảy u mê

Nơi thánh đường không ai thờ phụng

Phi lý lỗi thời mọi toan tính suy tư

Mọi bền chặt đã đến giờ tan loãng

Nung nấu réo sôi từng vật thể tế bào…

(Quyền lực mùa thu)

 

Đọc bài thơ người đọc không hề tìm thấy bất cứ một câu dung tục, sỗ sàng, bất nhã nào. Thay vào đó là chiều sâu liên tưởng của các hình ảnh, biểu tượng hay nói đúng hơn là chất dục tính đã được "kết nối" trong miền ảo ảnh, mơ mộng và tưởng tượng. Ở đó, tình yêu, hành động tính giao được ẩn sau một hình ảnh ẩn dụ khác "Những mái rạ xếp lên nhau tử dốc/ Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ" và sự biến chuyển nhiệt lượng vũ trụ của mùa thu với những quyền năng, sức mạnh khiến "mọi bền chặt" đều "đến giờ tan loãng". Trong lịch sử thi đàn Việt Nam, góc nhìn tình yêu - tính dục không phải đến Mai Văn Phấn mới xuất hiện, mà trước đó mấy trăm năm, trong thơ của Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương cũng đã rất nổi tiếng với những bài như: Vịnh cái quạt, Quả mít, Đánh đu… Ở đó, bà đã thể hiện một tiếng nói đầy táo bạo, vượt ra khỏi mọi khuôn hệ xã hội lúc bấy giờ để đưa vào trong thơ những hình ảnh:

 

Trời đất sinh ra một cái chòm

Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom

Kẻ hầm rêu mốc trơ toen toẻn

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô ngạn tối om om

Khéo ai đẽo đá tài xuyên tạc

Héo hớ hanh ra lắm kẻ dòm!

(Hang Cắc Cớ)

 

Bài thơ tả cảnh một cái hang - hang Cắc Cớ, nhưng việc sử dụng một số từ có chủ ý như: "cái chòm", "nứt làm đôi mảnh", "kẻ hầm rêu mốc", "giọt nước hữu tình", "con đường vô ngạn", "đẽo đá", "xuyên tạc", "hớ hanh", "dòm" kề cận nhau trong cùng một văn bản đã gợi ra một nghĩa khác, nghĩa ngầm sinh thực khí nữ. Cả hai nghĩa này đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau. Tuy nhiên, tính dục trong thơ nữ thi sĩ chủ yếu được gợi lên từ những hình ảnh ẩn dụ phồn thực đậm tính dân gian. Còn Mai Văn Phấn lại tập trung thể hiện chúng trong ý nghĩa mang giá trị phổ quát và xuất phát từ "nhãn quan phồn sinh", tình yêu đắm đuối trước thiên nhiên và quy luật sinh hóa của cuộc sống.

 

Với Mai Văn Phấn, dục tính "là biểu hiện của sự sống tự nhiên nguyên thủy lành mạnh và thuần khiết" [14; 308] thế nên nhà thơ luôn xem hiện thực trong tình yêu, cụ thể là hành động tính giao như một nghi lễ, nghi thức vô cùng thiêng liêng: Yêu nhau/ Là những nghi thức dâng tụng trời đất/ Bây giờ là mùa xuân/ Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa/ Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thủy/ Đất rùng mình/ Sông chảy/ Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung” (Anhanhemem) hay Trên đỉnh bóng cây đang tối dần thành miệng vực, những bông hoa bằng lăng rực rỡ đăng quang/ Muôn ngàn môi hoa, cánh tay hoa đung đưa trong nghi lễ xông hương của mặt đất tạ ơn vòm trời (Hoa Bằng Lăng). Chỉ những khi ấy nhà thơ mới có thể tinh tế phát hiện "cuộc ái ân của đất với nước ", lắng nghe chúng "ngân lên thành tiết tấu" để "mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông".

 

Đặc biệt, tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn luôn được đặt trong chiều sâu sức hút âm dương của nó. Điều này thể hiện ở sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa các đối cực: Âm và Dương, Anh và Em, Trời và Đất, Nước và Lửa, Ánh sáng và Bóng tối, Đêm và Ngày… Những đối cực này như là hai mặt của đời sống, vũ trụ. Chúng đối lập với nhau nhưng không vì thế mà hoàn toàn biệt lập, xa rời nhau. Bởi khi gọi tên cực này thì lập tức gợi lên tiếng nói của cực kia. Và vì thế chúng gọi nghĩa cho nhau, tạo lập giá trị cho nhau, và hơn hết cùng song song tồn tại như hai mặt của một chỉnh thể thống nhất, trọn vẹn.

 

Ở đây, chúng tôi cũng đã thống kê số lần xuất hiện của những đối cực này và nhận thấy sự xuất hiện của chúng trong thơ Mai Văn Phấn là khá dày và thường có xu hướng "sóng đôi" với nhau trong mỗi bài thơ mà chúng góp mặt. Cụ thể: Âm: 13 lần - Dương: 8 lần, Em: 406 lần - Anh: 418 lần, Đất: 267 lần - Trời: 171 lần, Nước: 297 lần - Lửa: 79, Bóng tối: 100 lần - Ánh sáng: 187 lần, Đêm: 126 lần - Ngày: 55 lần. Sự xuất hiện sóng đôi của chúng một mặt gây ấn tượng thẩm mĩ mạnh mẽ, nhưng mặt khác lại cho thấy một quy luật của đời sống nhân sinh và vũ trụ: sự xuất hiện của cực này sẽ nâng tầm quan trọng cho cực kia: Một ngày ánh sáng rút đi, mọi vật quanh ta chỉ là bóng tối. Cánh đồng tối ôm giống lúa tối. Thủy triều tốicuốn đàn cá tối. Giọng đơn ca tối trên nền nhạc tối. Lớp họctối nhầm lẫn giáo trình tối. Hồ sơ tối giấu kho tài liệu tối. Đại lộ tối đổ về quảng trường tối. Cuộc diễu binh tối phô trương vũ khí tối. Bàn tay tối buông con bồ câu tối… Vậy từ nay tôi tiết kiệm và tàng trữ ánh sáng, gom nhặt và đầu cơ ánh sáng, tích lũy và khúc xạ ánh sáng, nâng niu và giành giậtánh sáng, yêu thương và ăn cắp ánh sáng, thanh sạch và vươn trong ánh sáng… (Quang phổ). Tương tự tình yêu sẽ không thể tồn tại nếu chỉ có em mà không xuất hiện anh; sẽ không thể có một đất đai phồn sinh, tươi tốt nếu không đượcbầu trời sinh ra những cơn mưa dội xuống; ngày sẽ không còn nhiều giá trị khi thiếu vắng đêm,…

 

Đặc biệt, trong cái nhìn “tụng ca” tình yêu - tính dục ấy, Mai Văn Phấn xem tình yêu của con người như biểu tượng của cuộc gieo trồng thiêng liêng mà anh và em là những người thực hiện: “Trong hơi thở gấp anh biết/ Tay mang hạt giống/ Gieo… Gieo… / Ta gieo… (Tỉnh dậy trong mưa). Sự lặp lại động từ "gieo" ba lần trong những câu thơ có nhịp ngắn vừa như là hối thúc, vừa thể hiện niềm say mê với "công cuộc gieo trồng", tình yêu bất diệt ấy.

 

Đặc biệt trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, đất còn là một biểu tượng kết đọng những phẩm tính đặc thù của cái tôi thi nhân. Xưa nay, đất vốn gắn với hình ảnh của Mẫu/ người phụ nữ với tất cả sự mềm mại, mỡ màng, âm tính thì nay bước vào trong thơ Mai Văn Phấn đất lại mang dáng dấp của người đàn ông, là sự hóa thân của người đàn ông:

 

Đất đai - người đàn ông nằm ngủ

Mắt khép một vùng cửa sông

Hạt hạt phù sa mê man bên gốc rạ

 

Da thịt râm ran từng cơn trút lá

Heo may! Heo may! Heo may!

Phía sau giấc mơ bồi hồi tàn lửa

 

Những đám cháy bò lan bùng lên điệu múa

Thức dậy người đàn ông

Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng

(Sau mùa gặt)

 

Ở phần V của bài Tiếng gọi từ những cánh đồng, đất cũng mang những hình hài của người đàn ông: Những hạt mưa ríu rít trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi Trong bài Không quán tính cũng có những hình ảnh tương tự: Đặt tay mở những bờ mùa/ Con đỉa lội gồng mình sáng lóe/ Hơi thở lo âu phun xuống sương mù/ tiếng chuyện trò làm đất đai vạm vỡ;… Việc gắn hình ảnh đất đai trực tiếp với người đàn ông hay với những tính từ vốn đặc trưng của người đàn ông (vạm vỡ) đều thể hiện nét đặc biệt trong quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ (quan niệm này có phần đi ngược lại với truyền thống. Nhưng giá trị của nó lại nằm ở chỗ đó: xác lập/ định hình lại quy luật của đời sống, thiên nhiên, vũ trụ).

 

Tuy nhiên, không chỉ có đất mang đặc điểm, hình hài người đàn ông, mà ngược lại anh - người đàn ông cũng mang đặc điểm của đất: Hút mãi về em/ Từng hơi thở đất/ Anh hạn hán/ Cơn mưa chiều tất bật (Nỗi nhớ mùa thu). Vì anh được hình dung là đất nên em mới có thể Tìm miệng anh gieo hạtGió níu chân tay đất dịu dàngLao xuống vực (phần II - Đỉnh gió); và có khi anh lại mường tượng rằng mình là đất để dấu chânem in hằn lên đó: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng (Dấu vết bình minh)

 

Những thi ảnh lạ ấy dường như là kết quả của một tâm hồn luôn bị ám ảnh bởi sự sinh sôi của vũ trụ. Sự ám ảnh đã đẩy tác giả đến một hành động mạnh mẽ, táo bạo hơn: khát khao trở thành một phần của “công cuộc gieo trồng”, của sự sinh sôi ấy: “ta thèm một lần nhân danh đất đai”; khát khao trở thành người phụ nữ, người mẹ: “Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp” (Bài ca buổi sớm) và thậm chí sẵn sàng “chết đi cho mọi sự sinh ra”. Và nếu Nguyễn Quang Thiều chỉ dừng lại ở việc “ Gọi tên linh hồn đất/ Bằng cách gieo âm tiết của riêng mình”, giữa nhà thơ và đất vẫn tồn tại khoảng cách, thì Mai Văn Phấn lại muốn hóa thân thực sự vào đất, đất với người là một. Điều này quả là lạ. Đánh giá về điều này, nhà phê bình Lê Hồ Quang cho rằng: “Đấy là một sự lạ cần thiết. Nó phơi lộ cái góc khác thường trong bản thể tinh thần cái tôi Mai Văn Phấn” [14; 308]. Phải chăng, “cái góc khác thường” được đề cập đến ở đây là phần “âm tính” đặc thù trong tâm hồn của thi sĩ? Có lẽ, câu trả lời sẽ cần nhiều thời gian, và biết đâu đó cũng là điều thu hút độc giả tìm hiểu sâu hơn về con người Mai Văn Phấn, thơ Mai Văn Phấn (trong đó có tác giả bài viết này).

3. Như vậy, trong thơ Mai Văn Phấn, đất là một biểu tượng có nhiều ý nghĩa văn hóa - thẩm mỹ độc đáo. Nó vừa là tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh của thiên nhiên, đời sống, vũ trụ, vừa là biểu hiện của Cái Đẹp mang tên tình yêu - dục tính của nhân loại. Nhưng hơn hết bằng/ qua đất ta sẽ khám phá được những phẩm tính đặc thù của cái tôi thi nhân. Là một nhà thơ có ý thức sáng tạo, cách tân quyết liệt và không ngừng, Mai Văn Phấn chính là một người “gieo hạt giống mới” đầy cần mẫn và hiệu quả trên cánh đồng thi ca Việt Nam hiện đại. Và từ đó biết đâu:

 

Ngày mai mặt đất này

Và thế giới sẽ đổi khác

(Mùa trăng)

 

Vinh, 8/12/2015

N.T.Y

                                                                                               

Chúng tôi – Nhóm HỖ TRỢ LUẬN VĂN – rất muốn chia sẻ, miễn phí với các bạn những khó khăn trong công việc viết luận văn tốt nghiệp, đồ án hay viết các bài tiểu luận ở rất nhiều bậc học khác nhau như trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học với chất lượng cao nhất.      

Mọi thông tin về đề tài các bạn vui lòng liên hệ theo địa chỉ nhóm HỖ TRỢ VIẾT LUẬN VĂN

Hotline : 094.203.1664

Email   : hotroluanvan2013@gmail.com (khuyến khích liên hệ qua email)

Website : http://vietluanvanonline.com

 

 

 

 

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme