Luận văn Bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.

Luận văn Bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.

Sau đây là luận văn về Bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.
PHẦN MỞ ĐẦU
 
 
1. Lý do chọn đề tài
          Một trong những nội dung gây nhiều trăn trở cho độc giả thưởng thức văn học là bi kịch được khắc họa trong tác phẩm. Bi kịchlà gì ? Bi kịch là sự mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống và khát vọng cá nhân. Hiện thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân thực hiện được khát vọng của mình dẫn đến cá nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát (có thể dẫn đến cái chết). Trong văn học Việt Nam ta đã từng bắt gặp bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ, bi kịch của Vũ Như Tô…Bi kịch vừa giúp tái hiện sự ngổn ngang, bất nhất trong hiện thực xã hội và tâm lí con người vừa để lại những bài học sâu sắc. Hơn thế, nó còn là “ngòi nổ” để tác giả dẫn dắt tới những tình huống truyện gay cấn, những đoạn khắc họa nội tâm nhân vật,…
         Bi kịch này càng hấp dẫn hơn khi nó không đặt vào vai những người thiệt thòi trong xã hội mà vào vị trí tầng lớp quý tộc. Trong xã hội xưa, người thuộc tầng lớp này là kẻ bề trên, có đặc quyền, đặc lợi trong xã hội. Cuộc sống vật chất, tinh thần của họ đương nhiên phải sung sướng hơn kẻ thường dân. Vậy mà, cuộc sống của họ vẫn tồn tại những bi kịch chồng chất, bế tắc. Xây dựng bi kịch ở tầng lớp quý tộc, các tác giả muốn gửi gắm tới người đọc sự suy thoái trong xã hội cùng nhiều triết lí về đời sống tinh thần của con người. 
 
Luận văn Bi kịch của tầng lớp quý tộc trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng
 
       “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần là tác phẩm nổi tiếng viết về tầng lớp quý tộc phong kiến Trung Quốc. Không phải tự dưng những người Trung Quốc đời sau lại suy tôn "Hồng Lâu Mộng" (giấc mộng lầu son) là bộ tiểu thuyết hiện thực vĩ đại của Trung Quốc. Cho đến nay, tác phẩm vẫn là đỉnh cao trong việc miêu tả bi kịch của tầng lớp quý tộc trong xã hội Trung Quốc xưa kia.  Gần đây, văn đàn nước ta xuất hiện thêm tác phẩm “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh. Đây là tác phẩm tái hiện vương triều nhà Trần thời suy mạt với nhiều tấn bi kịch khác nhau. Tác phẩm đã đoạt nhiều giải thưởng, được giới phê bình ca ngợi và được công chúng chào đón nồng nhiệt. Khi đọc hai cuốn tiểu thuyết trên, ta bất ngờ bởi: tuy hai tác phẩm ở hai thời đại, hai đất nước khác nhau song lại có nhiều điểm chung. Bên cạnh đó, nó cũng để lại những bài học riêng.  Vì những lí do trên, em quyết định chọn đề tài “Bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh” cho bài viết của mình.
2. Lịch sử vấn đề
    Cả hai tác phẩm đều đã được nhiều nhà phê bình, nghiên cứu tìm hiểu, trong đó có các bài viết đi sâu vào bi kịch của tầng lớp quý tộc trong tác phẩm. Cụ thể có thể nói tới môt số bài viết, công trình nghiên cứu tiêu biểu:
Hồng lâu mộng
     - Giáo trình văn học Trung Quốc tập 2 của Nguyễn Khắc Phi và Lương Duy Thứ biên soạn đã khẳng định các nhân vật được miêu tả với những bi kịch tiềm ẩn. Bám sát cuộc sống hàng ngày, không hề tô vẽ, tác giả đã miêu ta chân thực những nỗi lòng, mong muốn của con người trong cuộc sống bị “cầm tù”, ràng buộc.
     - Cuốn “Văn học cổ Trung Hoa – mảnh đất quen mà lạ” của Nguyễn Khắc Phi lại chỉ ra sự giống và khác nhau của một số nhân vật, đặc biệt là Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Mỗi nhân vật một tính cách song nét chung là bi kịch tình yêu theo suốt cuộc đời.
     - Cuốn “Lịch sử văn học Trung Quốc” tập 3 của sở Nghiên cứu khoa học thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc, các tác giả đã chỉ ra sự suy tàn của xã hội thượng lưu phong kiến bấy giờ cùng với bi kịch của mỗi con người. Cùng với đó, cuốn sách nêu rõ: nhân vật đặt trong đời thường làm ta cảm tưởng nỗi lòng của họ gần gụi với chính chúng ta.
Hồ Quý Ly
     - “Những nhân vật nữ trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly” (Trần Thị Trường): đưa ra ý kiến xác đáng về cách xây dựng những nhân vật nữ của Nguyễn Xuân Khánh: mười bốn người phụ nữ, mười bốn số phận, mười bốn tính cách và mười bốn lối ứng xử, để rồi mười bốn kết cục.
     - “Hồ Quý Ly – cuốn tiểu thuyết lịch sử đặc sắc” (Đinh Công Vỹ): Tác giả nhận xét Nguyễn Xuân Khánh không hề đơn giản hóa, không hề bị chi phối bởi cách xây dựng nhân vật một chiều. Nhân vật của ông tập trung nhiều mâu thuẫn, giằng xé nội tâm.
     - Nhà văn Phạm Xuân Nguyên trong bài “Đọc Hồ Quý Ly” cũng thừa nhận cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh là ở thể lưỡng tính, phân thân không chỉ với một nhân vật Hồ Quý Ly mà còn với các nhân vật khác như Trần Khát Chân, Hồ Nguyên Trừng… nhân vật lịch sử của ông ta là những cá nhân mâu thuẫn, giằng xé, một bên là thúc bách (tất yếu) lịch sử, một bên là đòi hỏi (tất yếu) con người trước thử thách vận mạng của đất nước, chúng dân.
         Những ý kiến trên đã cung cấp một điểm tựa về lý luận để em thực hiện đề tài. Tuy nhiên chưa có tài liệu nào so sánh bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.
3. Mục đích nghiên cứu
     Mục đích của đề tài là tìm hiểu về nét giống và khác nhau giữa tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần. Qua đó, thấu hiểu tư tưởng “ôn cố” để “tri tân” của tác giả. Qua văn bản, ta và nhà văn cùng ngẫm nghĩ đến những vấn đề của thời đại đã từng được đạt ra trong tác phẩm.
4. Phạm vi nghiên cứu: 
     Nghiên cứu những ý kiến đánh giá trong các bài viết, công trình nghiên cứu, các sách chuyên khảo và luận án... những vấn đề liên quan đến bi kịch của tầng lớp quý tộc trong tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” và “Hồ Quý Ly”. 
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp so sánh đối chiếu
Phương pháp hệ thống - cấu trúc, phương pháp tiểu sử.
Ngoài ra, tiểu luận còn vận dụng những phương pháp nghiên cứu hiện đại khác đang được sử dụng trong nghiên cứu văn xuôi như thi pháp học, tự sự học, cấu trúc, v.v...
 Cùng với những phương pháp nghiên cứu trên, tiểu luận còn sử dụng các thao tác nghiên cứu như khảo sát, thống kê, phân loại, so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát, đánh giá.
  
NỘI DUNG
 
1. Giới thiệu đôi nét về tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh
1.1. Tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần 
     Tác phẩm ra đời vào thời Càn Long (cuối thế kỷ 18). Đây là bộ tiểu thuyết chương hồi có khối lượng đồ sộ, gồm 120 hồi (80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm). Sự đồ sộ của “Hồng Lâu Mộng” ẩn chứa hiện thực rộng lớn của xã hội Trung Quốc. Hiện thực ấy lấy từ ngay hiện thực của chính dòng họ gia đình Tào Tuyết Cần trước đây. Tào Tuyết Cần vốn sinh ra trong gia đình quyền quý song bị sa cơ lỡ vận, ông viết cuốn tiểu thuyết này chỉ để kể lại chính số phận của gia đình ông đồng thời giải tỏa nỗi niềm "cô phẫn" của mình. Đó bức tranh là cuộc sống xã hội thượng lưu đang mục ruỗng của Trung Quốc. Nó được tập trung thể hiện qua cuộc sống của một gia đình quý tộc họ Giả đời Thanh. Tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” có thể nói là tác phẩm mẫu mực nhất trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Chính vì những đóng góp to lớn đó mà tác phẩm được lưu truyền rộng rãi và cho đến này đã trở thành một trong những kiệt tác của dân tộc Trung Quốc nói riêng và của cả thế giới nói chung.
1.2. Tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh
 Hiểu biết về lịch sử dân tộc là một thách thức lớn đối với thế hệ trẻ ngày nay. Làm sao cho những kiến thức lịch sử chảy trong mạch nguồn của cuộc sống hôm nay là điều không phải dễ. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã kéo lịch sử gần hơn với cuộc sống hiện tại. Với Hồ Quý Ly (2000), tác giả đã được xem là một hiện tượng văn học. Tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng, được giới phê bình ca ngợi và được công chúng chào đón nồng nhiệt. “Hồ Quý Ly” là tác phẩm tiểu thuyết mà cảm hứng lịch sử được thể hiện đậm nét. Tác phẩm tái hiện lịch sử xã hội đầy biến động của nước ta trong giai đoạn cuối nhà Trần, đầu nhà Hồ. Với hệ thống nhân vật và sự kiện cùng với vốn văn hóa sâu rộng, tác giả đã tái hiện một cách sinh động hiện thực lịch sử. Hơn thế tác giả “ôn cố” để “tri tân”, qua văn bản, nhà văn đã chạm đến vấn đề của thời đại. 
2. Điểm giống nhau về bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.
2.1. Đặc điểm bi kịch 
2.1.1. Bi kịch “mạt vận” của tầng lớp thượng lưu
       Cả hai tác phẩm đều tái hiện tầng lớp thượng lưu trong thời kì mục ruỗng. Đó là tình thế chung của đất nước, không thể cứu vãn được. 
      Ở “Hồng lâu mộng”, chúng ta thấy trong bức tranh là cuộc sống xã hội thượng lưu đang mục ruỗng của Trung Quốc được tập trung thể hiện qua cuộc sống của một gia đình quý tộc họ Giả đời Thanh. Tác giả không quá tay, không phóng đại bất kì điều gì trong gia đình ấy. Từng dòng bút cứ từ từ kể một cách điềm tĩnh nhưng lại dần hé mở cho ta thấy một cuộc sống xa hoa, thừ mứa, lãng phí đến kinh ngạc. Bên cạnh đó là sự dâm ô, tàn nhẫn giữa họ với nhau. Trông thì mọi thứ có vẻ đầy nề nếp song thực tế tất cả chỉ là cái mặt nạ che đậy sự mọt ruỗng, giả dối bên trong. Vì lẽ đó, nếu không có họa giáng xuống từ triều đình thì bản thân Giả phủ cũng dần lâm vào con đường tàn tạ không cứu vãn được.  
        Trong “Hồ Quý Ly”, tình trạng mạt vận ấy đặt ở triều Trần giai đoạn cuối.  Nhà Trần bạc nhược, lòng dân chán ngán, đói khổ, tham nhũng triền miên. Bi kịch của thời đại mạt Trần là nhân dân quay lưng với triều đình.  Có lẽ sự suy sụp này được giải thích bằng việc có vị vua nhân từ chưa đủ mà cần có người dẹp hết nạn tham những, vơ vét; bày ra cho nhân dân những cách làm ăn tiến bộ, cần một chính sách canh tân phù hợp với đất nước. Thứ hai, triều Trần quá thiếu người tài. Họ đã đi ẩn hết đâu rồi? Hồ Quý Ly đã từng ai oán thốt lên khi nghe tin Duệ Tông thua trận: ““Thế là bao công sức ta bỏ ra xây dựng cho quân đội nhà Trần, nay bỗng chốc tan tành. Nhà Trần đã hết vượng khí rồi sao? Văn ư? Võ ư? Văn cũng đã dứt mà võ cũng đã kiệt rồi sao?” [1,tr66].
 
2.1.2. Bi kịch của sự giao tranh giữa “canh tân” và “hủ cựu”
      Trong cuộc sống đi vào suy tàn của tầng lớp quý tộc, các tác giả vẫn nhìn thấy những những tư tưởng mới mẻ, thoát khỏi sự cổ hủ của xã hội. Nó tập trung trong một số nhân vật chính với tính cách và việc làm cụ thể. Trong “Hồng lâu mộng”, bên cạnh việc tái hiện những giáo điều cổ hủ, tác phẩm còn thể hiện ước nguyện đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, giải phóng cá tính…qua hai nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Ở “Hồ Quý Ly”, sự giao tranh này là ở hai phe phái quý tộc. Phe canh tân gồm có: Hồ Quý Ly, vua Nghệ Hoàng,  Nguyễn Cẩn, gia đình của Quý Ly cùng một số người tin cẩn.  Phe này muốn thay đổi chính sách trong nước, thậm chí lật đổ nhà Trần. Phe hủ cựu gồm có: vua Trần Phế Đế, Trần Khát Chân,…với mong muốn giữ nguyên những gì nhà Trần đã thiết lập từ bao đời. Điểm chung của hai tác phẩm là phe “hủ cựu” đã đi vào con đường mục ruỗng không lối thoát nên sớm bị tiêu diệt nhưng phe “canh tân” lại yếu ớt, “sinh bất phùng thời” nên cũng chẳng làm được trò trống gì. Cuộc giao tranh tuy chưa có hồi kết nhưng ai cũng thấy sự tàn lụi của cả hai.
2.2. Nghệ thuật thể hiện bi kịch
2.2.1. Xây dựng ngôn ngữ độc thoại và đối thoại của nhân vật
     Để xây dựng bi kịch của tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến, cả hai tác phẩm đều tận dụng triệt để ngôn ngữ độc thoại và đối thoại của nhân vật.  Điểm chung giữa hai tác phẩm là ngôn ngữ độc thoại và đối thoại đều điêu luyện, giàu sức biểu hiện và cũng rất tự nhiên, bình dị, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. 
     Trong “Hồng Lâu Mộng”, tác giả sắp xếp một cách hợp lý những mẫu đối thoại của nhân vật, làm sao qua đó nhân vật có thể bộc lộ được khúc mắc nội tâm. Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, có thể nói rằng, ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật cũng đóng một vai trò không nhỏ vào sự thành công về mặt ngôn ngữ trong tác phẩm. Qua đó,ta hiểu những suy nghĩ, tâm sự thầm kín của từng nhân vật. Ví dụ: Lâm Đại Ngọc hay nghĩ tới những cánh hoa tàn. Nàng độc thoại nội tâm mà như trò chuyện với cánh hoa. Thậm chí, sau đó, Đại Ngọc còn đem hoa đi chôn. Phải chăng nàng cũng coi mình như cánh hoa kia: sớm nở tối tàn?
       Ở “Hồ Quý Ly”, bi kịch của các nhân vật được xây dựng qua rất nhiều lần đối thoại và độc thoại. Ví dụ: lời đối thoại của bà hoàng Thánh Ngẫu tuy ít song câu nào cũng mang đầy bi kịch của kẻ là nạn nhân của các âm mưu chính trị, của người đàn bà mất mát hạnh phúc gia đình: “ “Tôi không ốm! Tôi cần biết sự thật. Tôi muốn gặp chồng tôi. Thằng An muốn gặp cha nó. Hay là... Phải. Hay là cha chúng ta đã có âm mưu gì?... Hay là cả huynh nữa... các người đã có âm mưu gì?...” Bà hoàng hậu như nổi cơn điên rồ. Nàng đứng lên, mắt long lanh, đôi mắt đau khổ hầu như đã cạn khô nước mắt.” [1,tr183]. Những dòng độc thoại của Quý Ly làm ta bất ngờ hơn cả. Những lúc một mình quỳ dưới bàn thờ của công chúa Huy Ninh, Hồ Quý Ly lại trở thành một con người khác: cô đơn, trầm lắng đến tội nghiệp. Lời người kể chuyện đan cài trong lời nhân vật làm cho hiện tại, quá khứ đan quện vào nhau càng làm rõ cái phần yếu đuối trong con người tưởng như chỉ biết có âm mưu, toan tính: “Ô kìa! Sao lại thế? Hành mà có vị thơm đến thế ư? Lần đầu tiên trong đời ông cảm nhận được hương thơm của một nhánh hành hoa. Có lẽ cuộc sống chính trường vội vã, hối hả và bạo liệt đã làm cho tất cả giác quan của ông bị thui chột… Và chỉ có bàn tay người đàn bà mới có thể làm thức dậy những cảm xúc tinh tế mà con người đã đánh mất…” [1,tr199].
2.2.2. Xây dựng sự đối lập trong thời gian – không gian
      Trong cả hai tác phẩm, để làm rõ bi kịch của tầng lớp thượng lưu, các tác giả đã xây dựng thời gian – không gian mang tính đối lập nhau. 
      Ở “Hồng lâu mộng”, Tào Tuyết Cần đã xây dựng nhiều cặp không gian đối lập, tương phản  nhau. Ví dụ như: sự đối lập giữa khung cảnh của sự thịnh vượng và lúc tàn lụi. Nếu như ở phần đầu và phần giữa của tác phẩm là sự hưng thịnh của gia tộc họ Giả với  những cảnh đẹp, những bữa tiệc ồn ào, náo nhiệt thì về cuối là một khung cảnh của sự chia li, tang thương, hoang vắng,trầm tư. Việc tạo ra nhiều cặp không gian mang hình ảnh trái ngược nhau góp phần nhấn mạnh vòng tuần hoàn nhân quả, hợp rồi tan,có thịnh ắt sẽ có lúc suy của sự vật. Các nhân vật trong tác phẩm đã đi hết vòng xoay tuần hoàn của sự hưng thịnh rồi tàn lụi của gia tộc họ Giả. 
       Trong “Hồ Quý Ly”, tác giả cũng tinh tế khi xây dựng chi tiết hội thề với nhiều mâu thuẫn. Ở hội thề Đồng Cổ thời vua Nghệ Tông, dường như đoán được sự ra đi của mình, năm nay, ông vua già Trần Nghệ Tông cho mở hội thề to hơn mọi năm. Ông cho viên quan coi việc tế lễ đã cho thợ đến sửa sang miếu thờ, xây dựng lại những chỗ đổ nát, sửa sang cây cối,... Tuy vậy, nó vẫn thoát khỏi tiếng thở dài buồn bã vì tình trạng quốc gia suy tàn, đến linh vật cũng hỏng nát cũ kĩ đến não lòng.  Tới hội thề Đốn Sơn, bề ngoài thì tổ chức hoành tráng của lòng trung quân song thực tế trong đó ẩn chứa bao âm mưu và lo lắng về sự làm phản. Nó mang tiếng sét báo hiệu sự ra đời triều Hồ với bao thách thức, khó khăn.
3. Điểm khác nhau về bi kịch của tầng lớp quý tộc qua tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần và “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh
2.1. Đặc điểm bi kịch 
2.1.1. “Hồng lâu mộng” – bi kịch của khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc trong tình yêu
       Xuất hiện như là nạn nhân của xã hội, các nhân vật hiện lên làm rõ thêm số phận con người trong xã hội phong lưu rơi vào mạt vận. 
       Giả Bảo Ngọc là nhân vật xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Xuất thân từ một gia đình quý tộc, Giả Bảo Ngọc cũng sống cuộc đời sung túc tuy nhiên trong con người của Bảo Ngọc luôn muốn thoát ra khỏi hàng rào sắt của cuộc sóng quý tộc bao bọc. Cuộc sống ấy như cái lồng nhốt chàng cả ngày trong nhà, không được một chút tự chủ. Vì vậy, để phản kháng lại cuộc sống tù túng, Bảo Ngọc đã chống lại khoa cử, không muốn đi con đường “ra làm quan trị nước” theo lối sống phong kiến. Chàng thường xuyên trốn học, không ngoan ngoãn tiếp thu nền giáo dục phong kiến nghiêm khắc. Vậy là ngay từ nhỏ, chàng đã bị mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Đến khi nảy sinh tình yêu với Đại Ngọc thì mâu thuẫn ấy còn rõ hơn. Bảo Ngọc đã không vượt qua được rào cản của gia đình cũng chính là rào cản của xã hội phong kiến để bảo vệ tình yêu của mình. Sau cái chết của Lâm Đại Ngọc lại vấp phải những mâu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, Bảo Ngọc sinh ra mắc chứng “ngây”, cứ cười hì hì suốt ngày. Cuối cùng giải pháp “đi tu” đã được Bảo Ngọc chọn lựa. Tóm lại, Bảo Ngọc là điển hình của nhân vật là nạn nhân của xã hội cũ. Chàng mang bi kịch tư tưởng và số phận của con người giao thời.
          Bên cạnh Giả Bảo Ngọc thì Lâm Đại Ngọc cũng là nhân vật chính và là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Lâm Đại Ngọc cũng là một hình tượng phản nghịch của chế độ phong kiến. Lâm Đại Ngọc không bao giờ khuyên Giả Bảo ngọc đi thi để lập công danh mà thích và khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng xã hội phong kiến không cho nàng cái quyền đó. Nàng không làm sao thoát ra khỏi số mệnh. Giả Mẫu và Vương phu nhân bèn theo cái “kì mưu” của Phượng Thư, dùng quỷ kế “đánh tráo”, cưới vụng Tiết Bảo Thoa cho Bảo Ngọc. Chính những thế lực phong kiến ấy là nguyên nhân phá hoại tình yêu của Lâm Đại Ngọc và cũng hủy hoại luôn sinh mệnh của nàng. Điều đó gián tiếp dẫn tới cái chết đau đớn của Đại Ngọc.
      Tóm lại, “Hồng Lâu Mộng” tái hiện con người trong những tấn bi kịch dưới xã hội nhiều hủ tục, mà đại diện ở đây là nhân vật Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con "bất hiếu" của gia đình mình, họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến.
2.1.2. “Hồ Quý Ly” – bi kịch “bị lịch sử chọn” và “sinh bất phùng thời”
     Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông, Trần Khát Chân…đều mang trong mình bi kịch “bị lịch sử chọn”. Họ không muốn tham gia vào cái guồng quay chính trị, quyền lực song người bị bắt làm vua mấy đời, người bị bắt làm tướng tiên phong. Cái ước mơ nhỏ nhỏ về cuộc sống điền viên tuế guyệt lại là ước mơ xa vời trong thời loạn. Vì thế, tất cả họ sống trong nhung lụa mà vẫn mang bi kịch.        
       Điển hình là vua Nghệ Tông. Ông là vị vua đức cao song lại không thích làm vua. Ông lên làm vua là bất đắc chí. Ham muốn của ông chỉ là thiên nhiên, ruộng vườn, sống đời nhàn hạ song vì cái guồng máy chính trị ông phải làm vua, rồi lại phải nắm quyền tiếp mấy đời cho tới khi chết.  Bi kịch tiếp theo chính là phải cáng đáng việc nước giữa cái thời tao loạn và mục ruỗng. Vì thế, dù cố tới bao nhiêu, ông vẫn không vực được nhà Trần. Lúc gần mất, ông tổng kết cả cuộc đời mình và nhận rõ sai lầm chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu điều đó không thực tế, không còn hợp thời nữa, thời ông trị vì không còn nhân tài, các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng. Vậy ông đang tự chống lại bản thân. “Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng.”, “Giá như chúng ta sinh vào một thời thái bình thịnh trị. Loại người như cha con ta, sinh ra vào thời bão tố, chỉ làm mồi cho lũ người cương mãnh.” [1,tr14].  
          Bên cạnh vua Nghệ Tông, phải kể tới Hồ Quý Ly. Ông là con người mang bi kịch “bị lịch sử chọn” và cả bi kịch “bất phùng thời”. Với bao khát vọng đổi đời cho toàn dân tộc, cuốn sách “Minh Đạo” ông viết ra với bao tâm huyết thể hiện những nung nấu về cuộc cải cách không sớm thì muộn. Hỗ trợ nhà Trần vẫn không ăn thua, Quý Ly tính đến chuyện giành ngôi vua, nắm quyền bính trong tay để dễ dàng hô mưa gọi gió. Ông bị cuốn vào các mưu đồ chính trị, ấp ủ mưu kế đoạt ngôi dù lòng người không thuận.. Ông ý thức được rằng nếu cải cách thành công sẽ đưa đất nước thoát khỏi vực thẳm, còn không ông sẽ chịu cái giá đắt là việc mất nước và phải đứng trước tòa án của lịch sử. Nhưng những cải cách mà ông đưa ra lại không được lòng dân. Ông muốn mau chóng cải cách song lòng dân không thuận, giặc giã liên miên. Bi kịch cũng từ đấy mà ra, một bi kịch mang tính quy luật: đó là bi kịch của tư tưởng canh tân khi phải đấu tranh với sự thủ cựu nhân danh lương tri của toàn xã hội;  đó là sự chết non của cái mới khi mà nó chưa/không hội được những điều kiện cần và đủ để cắm rễ vào đời sống. Có thể nói, đó là một sự trăn trở lịch sử - điều rất hiếm gặp ở các tiểu thuyết lịch sử trước kia. Việc thành bại cuối cùng của ông hẳn không chỉ do cá nhân ông, mà còn do thời thế, do điều kiện khách quan trong bối cảnh chính trị - xã hội lúc đó quy định, mà nhiều khi cá nhân - dù là anh hùng, cũng chịu bó tay, ôm hận để rồi gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử. Bi kịch ấy là của một thời kì mục nát cần canh tân nhưng canh tân chưa đến được giai đoạn kết quả ngọt, vị nó vẫn còn đắng chát lắm.
2.2. Nghệ thuật thể hiện bi kịch
2.2.1. “Hồng lâu mộng” – sự phá vỡ kết cấu của tiểu thuyết đời thường
     “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần được viết theo kết cấu chương hồi, gồm 120 hồi, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết. Mỗi một chương hồi là một sự việc, một hành động xảy ra trọn vẹn, và tiếp tục các chương hồi sau là các sự việc, hành động khác. Điểm khác là kết cấu, cốt truyện của tác phẩm nghiêng về cuộc sống thường nhật. Các nhân vật, tình tiết được Tào Tuyết Cần xây dựng nên như một cá thể độc lập rất riêng biệt nhưng cũng mang nét chung cho kiểu người. Tiểu thuyết vừa có tính cổ điển trong tiểu thuyết chương hồi, đồng thời xuất hiện sự phá vỡ kết cấu truyền thống bằng việc viết lại câu chuyện đời thường, để từ đó đề cập đến vấn đề hết sức trọng đại, đó là tư tưởng dân chủ ban đầu. 
       Điều đặc biệt của Hồng lâu mộng là sự xuất hiện của chương đầu và chương cuối như một kiến giải riêng cho tác phẩm. Hồi thứ nhất trong tác phẩm nêu tóm tắt nguyên nội dung cuốn truyện và dụng ý của tác giả. Nó tưởng như chẳng ăn nhập gì với toàn bộ cốt truyện nhưng kì thực là sự tổng kết lại toàn bộ tác phẩm, coi mọi chuyện bày đặt viễn vông cả. Phần kết thúc tác phẩm không có hậu: Lâm Đại Ngọc uất ức quá thổ huyết mà chết, Giả Bảo Ngọc đi tu. Phá vỡ kết cấu truyền thống, tiểu thuyết đã làm rõ bi kịch của tầng lớp quý tộc trong tác phẩm.
2.2.2. “Hồ Quý Ly” – sự hiện đại hóa trong lối trần thuật của tiểu thuyết lịch sử
        Ở “Hồ Quý Ly”, ta bắt gặp phương thức tự sự rất hiện đại. Nhà văn sử dụng đan xen ngôi kể thứ nhất và thứ ba. Ngay trong ngôi kể thứ nhất, ông cũng thay đổi liên tục. Đa số sự kiện được nhìn qua con mắt của Nguyên Trừng. Song đôi lúc điểm nhìn trần thuật còn được chuyển vảo nhân vật Nghệ Tôn, Thuận Tôn, Hồ Quý Ly.          
       Điểm nhìn toàn tri này có tác dụng rất lớn. Nguyễn Xuân Khánh đã khéo léo kết hợp người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba đồng thời cũng là nhân vật chính nhằm tái hiện thân phận bi kịch của con người đi trước thời đại, không được cộng đồng thấu hiểu. Khi đặt ở vai tác giả kể đã, nó đã tạo khoảng lùi thời gian đảm bảo tính khách quan cho các nhân vật lịch sử. Đồng thời khi đặt điểm nhìn ở ngôi thứ nhất, cụ thể đặt ở nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nó lại kéo người đọc về thời đại lịch sử của gần 800 năm về trước. Để từ đó, ta thấy được các quan điểm lập trường, giọng điệu của các nhân vật. Nhờ vậy,  nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh trở thành một kiểu nhân vật – tư tưởng đặc sắc và toàn bộ tiểu thuyết này không chỉ là cuộc đối thoại giữa các nhân vật - tư tưởng như Trần Khát Chân, Hồ Hán Thương, Hồ Quý Ly… mà còn tiến hành một cuộc đối thoại lớn giữa quá khứ và hiện tại, giữa “cải cách” ngày xưa và “đổi mới” hôm nay, giữa các chiều hướng khác nhau trong sự vận động của lịch sử - xã hội hiện tại: canh tân – bảo thủ hay một thái độ thứ ba. Sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật đã giúp Nguyễn Xuân Khánh thành công trong việc xây dựng những nhân vật đa diện. Điều đó cũng tạo sự hấp dẫn lôi cuốn độc giả, bởi thêm mối một góc nhìn, độc giả lại phải bổ sung cho mình những hiểu biết về nhân vật, luôn luôn phải nhìn lại, phải phán xét lại.
 
 
KẾT LUẬN
        Qua phần tìm hiểu trên, ta thấy các tác giả đã tái hiện thành công bi kịch của tầng lớp quý tộc. Điểm chung của cả hai tác phẩm là xây dựng bi kịch mang tính phức tạp, đại diện cao, nó vừa là bi kịch cá nhân vừa là bi kịch thời đại đã suy mạt. Tuy nhiên, trong cái suy mạt ấy vẫn thấp thoáng cái mới mẻ mang tính dự báo cho xã hội kế tiếp, dù rằng cái mới còn vô cùng non yếu. Để xây dựng bi kịch này, Tào Tuyết Cần và Nguyễn Xuân Khánh đều ưa xây dựng đối thoại,  độc thoại nội tâm nhân vật. Ngoài ra, hai ông sử dụng có ngụ ý sự mâu thuẫn trong thời gian, không gian để làm rõ bi kịch của con người.
       Bên cạnh nét giống nhau, mỗi tác phẩm có nét riêng trong xây dựng bi kịch tầng lớp quý tộc phong kiến. Ở “Hồng lâu mộng”, Tào Tuyết Cần đã tập trung xây dựng chân dung Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc để tuyên ngôn cho ước mơ tự do, chống lễ giáo cổ hủ. Nhưng ước mơ bất thành làm các nhân vật rơi vào bi kịch. Còn ở “Hồ Quý Ly”, Nguyễn Xuân Khánh xây dựng bi kịch mang tính quốc gia dân tộc. Các nhân vật như Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông, Trần Khát Chân…đều mang trong mình bi kịch “bị lịch sử chọn” và “sinh bất phùng thời”. Họ không muốn tham gia vào cái guồng quay chính trị, quyền lực song người bị bắt làm vua mấy đời, người bị bắt làm tướng tiên phong. Cái thời thế hỗn loạn như bất đồng với tài năng, tâm huyết của họ.  
      Tất cả các bi kịch ấy đề lại cho chúng ta nhiều bài học, cả về thân phận con người cả về việc duy trì một thể chế xã hội. Đặc biệt là bài học canh tân trong hoàn cảnh xã hội mục ruỗng. Chính vì những điều trên, cả hai tác phẩm đã được đánh giá rất cao về ý nghĩa triết lí, thời đại qua hệ thống bi kịch nhân vật.
 
  
 

Chúng tôi – Nhóm HỖ TRỢ LUẬN VĂN – rất muốn chia sẻ, miễn phí với các bạn những khó khăn trong công việc viết luận văn tốt nghiệp, đồ án hay viết các bài tiểu luận ở rất nhiều bậc học khác nhau như trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học với chất lượng cao nhất.      

Mọi thông tin về đề tài các bạn vui lòng liên hệ theo địa chỉ nhóm HỖ TRỢ VIẾT LUẬN VĂN

Hotline : 094.203.1664

Email   : hotroluanvan2013@gmail.com (khuyến khích liên hệ qua email)

Website : http://vietluanvanonline.com

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme