Biện pháp phát triển năng lực học sinh trong dạy học theo tình huống trong dạy học môn Giáo dục công dân 12 ở trường THPT Ngô Thì Nhậm (trích)

Phương pháp dạy học theo tình huống sẽ đặt học sinh trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kĩ năng và phương pháp nhận thức.    Dạy học theo tình huống là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh. Qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, tôi đã đúc rút được các biện pháp sau nhằm phát huy năng lực của học sinh:

1. Lựa chọn, xây dựng một hệ thống tình huống có tính khoa học, thiết thực, hấp dẫn.

          Giá trị đích thực của tình huống là ở nội dung tình huống, cho dù người dạy có vận dụng tốt mọi kĩ năng, kĩ xảo để dẫn dắt, tổ chức điều khiển người học tham gia vào tình huống nhưng bản thân tình huống không hấp dẫn hoặc kém hấp dẫn, thiếu sức thuyết phục, ít có giá trị thiết thực với chủ thể tiếp nhận thì việc đưa tình huống vào giảng dạy cũng không đem lại hiệu quả gì lớn lao. Do đó người dạy cần lựa chọn, sàng lọc, xây dựng tình huống dựa trên các tiêu chí sau:

          - Tình huống phải phù hợp và phục vụ cho việc thực hiện mục đích, nội dung của bài học, phù hợp với trình độ người học.

          - Nội dung của tình huống phải đảm bảo tính chính xác khoa học, bám sát kiến thức chuẩn từ sách giáo khoa.

          - Tình huống phải có tính thực tế, phải gắn với những sự kiện liên quan đến đời sống hằng ngày, giúp người học có thể liên hệ với bài học một cách dễ dàng.

          - Tình huống phải hấp dẫn, khơi dậy sự hứng thú, khơi dậy khả năng tự học và yêu thích bộ môn ở người học, có thể bằng nhiều hình thức: ca dao, tục ngữ, mẩu chuyện vui.

Ví dụ: Khi dạy bài 1 “ Pháp luật và đời sống” để học sinh hiểu rõ hơn về các đặc trưng của pháp luật, giáo viên kể cho học sinh nghe câu chuyện gương mẫu tôn trọng luật lệ của Bác Hồ.

Hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết định thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.

Một hôm Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.

Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Anh em cảnh vệ lo lắng nhìn nhau.Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bàn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý. Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi:

- Các chú không được làm như thế! Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao thông bật đèn xanh để xe qua.

Câu hỏi: 1. Em có nhận xét gì về cách ứng xử của Bác?

   2. Em hiểu thế nào về tính quy phạm phổ biến của pháp luật?

Sau khi học sinh nghiên cứu sách giáo khoa và trả lời câu hỏi, giáo viên có thể chốt lại :

  1. Cách ứng xử của Bác là phù hợp với tính quy phạm phổ biến của pháp luật

Vì như Bác đã nói: “ Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết định thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.Khi có tín hiệu đèn thì mọi người đều phải chấp hành như nhau, không phân biệt, bất kì ai ở trong điều kiện hoàn cảnh nhất định cũng phải xử xự theo khuôn mẫu được pháp luật quy định, có như vậy mới đảm bảo công bằng.

2. Tính quy phạm phổ biến của pháp luật có nghĩa là pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là ranh giới để phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.Tính quy phạm phổ biến này làm nên giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật, vì bất kì ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng phải xử sự theo khuôn mẫu được pháp luật quy định.

VD: Luật Giao thông đường bộ quy định: Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...là quy tắc mà mọi người tham gia giao thông đường bộ đều phải tuân theo, ai không tuân thủ quy tắc này đều là vi phạm pháp luật, việc xe của Bác dừng lại khi có tín hiệu của đèn đó là việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ một cách nghiêm túc.

Về phía học sinh sau khi tự trả lời và nghe giáo viên giải thích các em đã xác định được năng lực tự học cho mình trong đó biết đánh giá và điều chỉnh những sai sót, những hạn chế của bản thân trong cuộc sống, trong khi tham gia giao thông, đúc kết những kinh nghiệm để có thể chia sẻ, vận dụng vào các tình huống khác trong thực tiễn để nâng cao năng lực phẩm chất của bản thân. Bên cạnh các năng lực chung , qua câu chuyện các em còn tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội, chủ động tham gia hợp tác giải quyết các vấn đề đạo đức, pháp luật, chính trị, xã hội.

2. Chuẩn bị tốt các câu hỏi dẫn dắt gợi mở.

Khi đưa ra tình huống, câu hỏi dẫn dắt gợi mở là hết sức quan trọng, nhiều khi là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của tình huống và khả năng lĩnh hội kiến thức của người học. Chúng ta đều biết rằng yếu tố thúc đẩy tư duy là những nhiệm vụ nhận thức nảy sinh trên cơ sở tri giác (cái gì là nền tảng của hiện tượng, nguyên nhân của nó là gì?), là những nghịch lí (tại sao những con tàu lớn bằng thép thì nổi, còn miếng sắt nhỏ lại chìm?), là sự ngạc nhiên v.v… Chính những câu hỏi “Cái gì?”, “Tại sao?”, “Như thế nào?” đã kích thích óc tìm tòi của người học, kích thích sự phân tích, so sánh và khái quát hóa. Cho nên, hầu hết các tình huống đều có một kết thúc mở dưới dạng một câu hỏi nhằm hướng người học đến vấn đề cần giải quyết cũng như nhằm tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận và giải quyết vấn đề theo nhiều phương hướng khác nhau chứ không bị gò bó, ép buộc đi theo một phương hướng cụ thể nào cả.

Vì vậy, để chuẩn bị tốt câu hỏi dẫn dắt gợi mở, người dạy cần phải lưu ý những yêu cầu sau:

- Câu hỏi phải chứa đựng một mâu thuẫn nhận thức. Điều này chỉ đạt được khi câu hỏi phản ánh được mối liên hệ bên trong giữa điều đã biết và điều phải tìm.

- Phải chứa đựng phương hướng giải quyết vấn đề, thu hẹp phạm vi tìm câu trả lời. Nghĩa là có định hướng rõ ràng, nhằm đúng bản chất của vấn đề, không được chung chung, mơ hồ và có thể gây cho người học hiểu nhầm hay hiểu lệch ý. Câu hỏi phải tạo điều kiện làm xuất hiện giả thuyết, tạo điều kiện tìm ra con đường đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề.

- Câu hỏi cần phải được diễn đạt đúng văn phạm, ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, khoa học.

- Phù hợp trình độ của người học, không quá đơn giản hay quá phức tạp.

- Câu hỏi phải mang tính logic, có sự gắn kết giữa lí thuyết và thực tiễn, gây hứng thú nhận thức, kích thích người học tư duy, tìm câu trả lời.

Ví dụ: Khi dạy bài” Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội” tiết 1.

Để học sinh hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và ngược lại, giáo viên nêu ra một tình huống có vấn đề.

          “ Ông Tư mất đi, bà Tư đã già yếu nên không thể ở một mình. Bà có nguyện vọng được ở với con trai út vì hợp với vợ chồng họ hơn. Vợ chồng người con út cũng mong muốn điều đó.Nhưng những người con khác không đồng ý vì họ cho rằng: “Con cái được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ mình cần luân phiên mỗi người phụng dưỡng mẹ một tháng.”

Hỏi: 1. Luân phiên phụng dưỡng mẹ mỗi người một tháng có phải là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với mẹ không?

                2. Nếu là con của bà Tư, em sẽ ứng xử như thế nào?

Đối với tình huống này khi giáo viên đưa ra nó đã chứa đựng một mâu thuẫn, đây là những tình huống thường xuyên xảy ra trong thực tế, gần với đời sống xã hội của học sinh, thậm chí có thể đã xảy ra ở gia đình các em, nên có thể sẽ kích thích các em tư duy, tìm câu trả lời phù hợp nhất.

Có thể các em sẽ có những cách diễn đạt khác nhau nhưng sẽ tập trung vào việc giải quyết như sau:

          1. Luân phiên phụng dưỡng mẹ mỗi người một tháng.

Về hình thức có vẻ bình đẳng, song thực chất không phải là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ. Bởi vì, đây không chỉ là vấn đề thuộc quyền và nghĩa vụ về pháp luật mà còn là tình cảm mẫu tử và đạo đức.

          2. Nếu em là con trai út của bà Tư em sẽ phân tích cho các anh chị hiểu:

          - Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với mẹ không có nghĩa là chia đều mỗi người nuôi dưỡng mẹ một tháng.

          - Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với mẹ có nghĩa là con cái đều có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ. Tuy nhiên nên tôn trọng nguyện vọng của mẹ, những người con khác không trực tiếp nuôi dưỡng mẹ có thể đóng góp tiền cùng người con út nuôi dưỡng mẹ, thường xuyên thăm hỏi mẹ, cùng nhau chăm sóc khi mẹ ốm đau....

          Sau khi học sinh trả lời, giáo viên kết luận chốt lại kiến thức và học sinh nắm được quyền và nghĩa vụ của con cái với cha mẹ , vận dụng liên hệ vào thực tế cuộc sống của mình, thậm chí còn có cách nhìn nhận, cách giải quyết đối với các mối quan hệ xã hội.Qua tình huống này học sinh hình thành được năng lực sáng tạo, xem xét các tình huống với những góc nhìn khác nhau, ở phía người em út, ở phía các anh chị.....từ đó phát hiện được các điểm hạn chế trong quan điểm của mình, áp dụng điều đã biết trong hoàn cảnh mới. Ngoài ra qua tình huống học sinh còn hình thành được các năng lực chuyên biệt riêng của môn GDCD như tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội( chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ), tự chịu trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm công dân với cộng đồng, đất nước, tự đánh giá tự điều chỉnh hành động chưa hợp lí của bản thân trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày ở gia đình mình. (còn tiếp)

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme