Tóm tắt luận án "Dạy học xác suất thống kê ở trường đại học Y"

(Theo luận án "Dạy học xác suất thống kê ở trường đại học Y" - Đào Hồng Nam"

 

 

1. Lý do chọn đề tài

1.1. Vai trò của xác suất – thống kê trong y học

Bản chất của các chẩn đoán trong y học luôn bao hàm ý nghĩa xác suất (XS). Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ nhận định người đến khám bị bệnh B với một XS tiền nghiệm nào đó. Nếu XS này vẫn chưa đủ để khẳng định hoặc loại trừ bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm (XN) để hỗ trợ chẩn đoán. Dữ liệu (DL) từ các XN mang lại, từ các dữ kiện y học kết hợp với các phương pháp của xác suất - thống kê (XS-TK) sẽ là cơ sở để đưa ra chẩn đoán đúng và chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Ngoài việc điều trị, bác sĩ cũng cần phải biết sử dụng các phương pháp của XS-TK để ứng dụng trong nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, cũng như mọi khoa học thực nghiệm khác, các thành tựu của y học đều là những kết quả nghiên cứu được hình thành từ việc điều tra hay thử nghiệm trên một (hoặc một số) mẫu rút ra từ tổng thể. Đặc trưng đó khẳng định vai trò quan trọng của XS-TK trong y học.

Thế nhưng, cái chân lý tưởng như hiển nhiên này không phải đã được thừa nhận sớm trong y học. Suốt nhiều thế kỷ qua, quá trình và phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh thường dựa trên mô hình của Aristotle. Theo đó, quá trình chẩn đoán và điều trị chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và người thầy thuốc thường có khuynh hướng chủ quan vì cảm nhận rằng phương pháp điều trị của mình là tốt, mặc dù có bằng chứng khoa học chứng minh điều ngược lại.

Sự thiếu căn cứ khoa học xác đáng của phương pháp truyền thống dựa vào mô hình Aristotle đã dẫn đến việc hình thành nên một phương pháp khác, đó chính là phương pháp y học thực chứng (Evidence-based medicine)

1.2. Xác xuất – Thống kê trong đào tạo cán bộ y tế ở Việt Nam

Ở nước ta, y học thực chứng chỉ mới được chú ý đến trong thời gian gần đây và chưa có sự phát triển vững mạnh với những lý do khác nhau. Nhưng, lý do quan trọng hơn cả mà chúng tôi nhận ra trên cương vị một giảng viên (GV) giảng dạy môn XS-TK ở trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Tp.HCM là phương pháp dạy học (DH) XS-TK còn nặng về kiến thức cơ bản và được đưa vào giảng dạy từ năm thứ nhất, khi mà hầu như SV chưa được trang bị gì đáng kể về khối kiến thức y học. Điều đó khiến cho GV khó có thể làm cho SV thấy rõ vai trò của XS-TK trong chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học. Sự bất hợp lý này khiến SV vừa thiếu động cơ học tập, vừa ít hoặc không có cơ hội sử dụng XS-TK.

Hậu quả là nhiều bác sĩ gặp khó khăn khi tiến hành một nghiên cứu y học. Khó khăn đó còn được bộc lộ qua nhiều sai lầm tìm thấy trong các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực y học (đã công bố), từ việc chọn mẫu đến việc xử lý DL và ước lượng hay kiểm định (KĐ) giả thuyết thống kê (TK).

Những ghi nhận về vai trò của XS-TK trong y học và khó khăn của các bác sĩ khi cần sử dụng XS-TK vào nghiên cứu cũng như vào hoạt động nghề nghiệp thường ngày của họ đã khiến chúng tôi lựa chọn đề tài Dạy học xác suất thống kê ở trường Đại học Y.

1.3. Tổng quan về tình hình nghiên cứu trên chủ đề "DH XS-TK"

Với những tư liệu tìm hiểu được, chúng tôi thấy có ba xu hướng nghiên cứu gắn với ba mục đích: giúp người học nhìn thấy quan hệ gắn bó mật thiết giữa XS và TK, hiểu được nghĩa của các khái niệm trong XS-TK và phát triển tư duy TK.

Gắn với ba xu hướng đó người ta thường nói đến vấn đề mô hình hóa trong DH XS-TK. Điều này hoàn toàn tự nhiên, vì hai lẽ: thứ nhất, XS-TK là một khoa học ứng dụng, nên nói đến XS-TK thì phải nói đến mô hình hóa toán học; thứ hai, muốn người học hiểu nghĩa của tri thức cần dạy, muốn phát triển tư duy TK thì phải gắn tri thức với vấn đề mà việc sử dụng nó mang lại một lời giải tối ưu chứ không thể trình bày tri thức một cách hình thức.

Vì có rất nhiều công trình bàn về chủ đề DH XS-TK nên trong khuôn khổ có hạn của luận án và với nguồn tư liệu có được chúng tôi chỉ điểm qua dưới đây một số công trình đại diện cho ba xu hướng này.

· Một số công trình của tác giả nước ngoài

Có khá nhiều bài viết về chủ đề DH XS-TK như: Henry M. (1994), Coutigno C. (2001), Brousseau G., Brousseau N. & Warfield G (2002), Briand J. (2005), Wozniak F. (2005), Chevallard Y. và Wozniak F. (2005), Artaud M. (1993), Susan Miles, et al. (2010).

Đại bộ phận các công trình trên đều bàn về chủ đề DH XS-TK ở bậc trung học. Đối với bậc đại học, công trình của Artigue M. nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ giữa XS với TK trong đào tạo ngành kinh tế, còn nghiên cứu của Susan Miles cũng chỉ mới là một điều tra thực tiễn để làm rõ nhu cầu phải thay đổi phương pháp DH XS-TK ở các đại học Y.

Ngoài hai công trình của Artaud M. và Susan Miles, từ năm 2011, dự án LOE đã bắt đầu được triển khai ở Đại học Joseph Fourier của Cộng hòa Pháp. Mục đích của dự án là thiết kế một trang web dùng cho việc đào tạo ở trường Đại học Y (thuộc Đại học Joseph Fourier), nhằm hình thành ở SV năng lực thực hiện một nghiên cứu y học và năng lực đọc có phê phán một bài báo của y học.   

  • Một số công trình của tác giả Việt Nam

Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam bàn về chủ đề DH XS-TK ở trường phổ thông như: Trần Kiều (1988), Đỗ Mạnh Hùng (1993),Vũ Như Thư Hương (2011), Trần Túy An (2007), Lê Thị Hoài Châu (2010a, 2010b, 2012, 2013), Tăng Minh Dũng (2010), Trần Lương Công Khanh (2013), Nguyễn Thị Tân An (2013), …

Ở bậc đại học, có luận văn thạc sỹ của Tăng Minh Dũng (2010) và bài báo của Lê Thị Hoài Châu (2013). Tuy nhiên, đối tượng mà hai tác giả này quan tâm là vấn đề đào tạo giáo viên toán về mảng XS-TK nói chung, về tri thức "biểu đồ" nói riêng. Ngoài ra, các luận án tiến sĩ như: Phạm Văn Trạo (2009), Tạ Hữu Hiếu (2010), Phan Thị Tình (2011), Ngô Tất Hoạt (2011), Trần Thị Hoàng Yến (2011), Hoàng Nam Hải (2013), … cũng đã tập trung vào vấn đề DH XS-TK cho SV các trường cao đẳng và đại học.

Một cách tổng quan, chúng tôi thấy hầu hết các tác giả này đều đặt nghiên cứu của mình vào việc DH XS-TK ở bậc trung học và đại học. Tuy nhiên, đối với bậc đại học, đối tượng mà các tác giả quan tâm là vấn đề đào tạo giáo viên toán về mảng XS-TK và việc nâng cao hiệu quả DH XS-TK cho SV các trường không thuộc chuyên ngành y dược.

1.4. Định hướng nghiên cứu của chúng tôi

Những luận điểm trình bày ở phần 1.1, 1.2, 1.3 giải thích cho việc chúng tôi chọn Dạy học xác suất thống kê ở trường Đại học Y làm đề tài nghiên cứu. Hơn nữa, ở cương vị một GV đại học y khoa, bản thân chúng tôi cũng có nhiều trăn trở về vấn đề DH XS-TK trong tiến trình đào tạo các bác sĩ tương lai.

Trong khuôn khổ có hạn của luận án, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu vào đối tượng KĐ giả thuyết TK, một đối tượng cơ bản, có mặt hầu hết trong các nghiên cứu y học. Ngoài ra, như chúng tôi sẽ chỉ ra trong luận án của mình, phân phối chuẩn (PPC) của DL là một điều kiện quan trọng tác động vào bài toán KĐ giả thuyết TK. Việc không tính đến điều kiện ấy thường dẫn đến những kết luận sai lầm trong các nghiên cứu y học. Vì thế, liên quan đến bài toán KĐ giả thuyết TK chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến đối tượng tri thức PPC.

Những câu hỏi ban đầu mà chúng tôi mong muốn tìm câu trả lời là: trong thực tế, liên quan đến đối tượng tri thức KĐ giả thuyết TK nói chung, PPC nói riêng, SV ngành Y được học gì ? Họ có thể sử dụng các tri thức đó ra sao ? Những sai lầm nào họ thường phạm phải khi sử dụng ? Hoạt động DH có thể tác động ra sao vào việc giúp SV nhận ra những sai lầm đó để có thể sử dụng XS-TK vào hoạt động nghiên cứu và hoạt động nghề nghiệp của họ sau này ?

2. Lựa chọn công cụ lý thuyết

Chúng tôi đã chọn Didactic toán (theo trường phái hình thành từ Pháp) với các công cụ lí thuyết đặc trưng của nó, vì chúng cho phép cụ thể hóa và phát triển các câu hỏi khởi đầu nêu trên và đặc biệt là tìm được câu trả lời thích đáng cho các vấn đề đã đặt ra. Cụ thể hơn, chúng tôi sẽ vận dụng các khái niệm chuyển hóa sư phạm, quan hệ thể chế, quan hệ cá nhân, tổ chức toán học, tổ chức Didactic, hợp đồng DH, môi trường và đồ án DH. Trong chương đầu của luận án chúng tôi sẽ trình bày rõ các khái niệm này, qua đó giải thích vì sao việc lựa chọn các công cụ lý thuyết ấy là phù hợp.

Thêm vào đó, chúng tôi còn phải sử dụng khái niệm tri thức luận mô hình hóa. Mô hình hóa toán học là một công cụ được chúng tôi lựa chọn khi tìm cách cải tiến thực tế đào tạo theo hướng đặt SV vào hoạt động trong một môi trường có tác động phản hồi.

3. Mục tiêu, phương pháp và nội dung nghiên cứu

Mục tiêu của luận án là làm rõ đặc trưng của đối tượng KĐ giả thuyết TK nói chung, PPC nói riêng cả từ góc độ tri thức luận và sư phạm, khiếm khuyết trong lựa chọn của thể chế DH và ảnh hưởng của những lựa chọn (do thể chế thực hiện) trên quan hệ cá nhân của GV và SV về các đối tượng này, từ đó thiết kế một đồ án DH có thể khắc phục những khiếm khuyết của quan hệ thể chế ở phía SV.

Ngoài ra, luận án cũng nhắm tới mục tiêu giới thiệu và minh chứng cho tính hiệu quả của một số công cụ lí thuyết của Didactic toán, nhằm làm phong phú hơn kho tàng Lí luận và Phương pháp DH môn toán ở nước ta.

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi chọn phương pháp luận nghiên cứu như sau:

a. Thực hiện một phân tích tri thức luận về đối tượng KĐ giả thuyết TK và PPC (ký hiệu đối tượng này là O). Nghiên cứu này sẽ mang lại một tham chiếu cho nghiên cứu thể chế DH được thực hiện sau đó.

b. Nghiên cứu đặc trưng của O, trong đào tạo cán bộ y tế tại ĐHYD Tp.HCM. Nghiên cứu này được đặt trong phân tích so sánh với thể chế DH khác - Đại học Y, thuộc Đại học Joseph Fourier – Cộng hòa Pháp và Đại học Y, thuộc Đại học Nam Illinois (Southern Illinois University), Hoa Kỳ. Việc đặt trong quan điểm so sánh sẽ cho phép làm rõ hơn những đặc trưng của quan hệ thể chế chủ yếu mà chúng tôi quan tâm. Phân tích quan hệ thể chế sẽ cho phép chúng tôi dự đoán ảnh hưởng của nó lên quan hệ cá nhân của GV và SV y khoa.

c. Nghiên cứu thực nghiệm, tìm hiểu sai lầm của SV khi đứng trước bài toán, nhằm hợp thức hóa (hay không) những giả thuyết về ảnh hưởng của quan hệ thể chế lên quan hệ cá nhân của SV. Tuy nhiên, bởi vì mỗi cá nhân có thể đã, đang tồn tại trong nhiều thể chế khác nhau, chúng tôi sẽ tiến hành một nghiên cứu quan sát giờ dạy của GV với mục đích tìm hiểu xem thực hành DH của GV đó có làm giảm bớt đi không, hay ngược lại, củng cố thêm những khó khăn, sai lầm của SV.

d. Từ các kết quả nghiên cứu trên đề xuất các giải pháp sư phạm và triển khai thực nghiệm một đồ án DH KĐ giả thuyết TK nhằm kiểm chứng một số giải pháp đã đề ra.

Ngoài ra, do tính chất mới mẻ của đề tài, chúng tôi cho rằng việc tìm hiểu vai trò của XS-TK trong y học là cần thiết. Chính từ việc làm rõ vai trò này, chúng tôi sẽ thực hiện một nghiên cứu bước đầu về những sai lầm thường gặp (liên quan đến việc sử dụng XS-TK) trong các công trình nghiên cứu Y học và về thực tiễn DH. Các nghiên cứu này một mặt củng cố thêm tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn của đề tài, mặt khác cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan về thực tiễn DH XS-TK trong đào tạo cán bộ ngành Y.

Với mục tiêu và phương pháp luận nghiên cứu đã nêu, chúng tôi xác định nội dung nghiên cứu của luận án như sau:

  • Phân tích và tổng hợp những yếu tố lí thuyết chủ yếu của Didactic Toán để hình thành cơ sở lí luận cho các nghiên cứu thực hiện trong khuôn khổ luận án.
  • Tìm hiểu vai trò của XS-TK trong Y học và thực hiện một nghiên cứu khởi đầu về thực tiễn trên hai phương diện:

- Tìm hiểu những sai lầm thường gặp về việc sử dụng XS-TK trong các công trình nghiên cứu y học ở Việt Nam.

- Quan sát thực hành giảng dạy XS-TK ở ĐHYD Tp.HCM.

  • Nghiên cứu các đặc trưng tri thức luận của O thông qua việc phân tích lịch sử hình thành và phát triển của O.
  • Phân tích quan hệ của thể chế (đặt trong quan điểm so sánh) để qua đó làm rõ  "cuộc sống" của O trong DH XS-TK ở ĐHYD Tp.HCM.
  • Xây dựng và triển khai thực nghiệm tìm hiểu sai lầm của SV khi làm việc với O, qua đó kiểm chứng giả thuyết về ảnh hưởng của quan hệ thể chế. Việc tìm nguồn gốc sai lầm còn được thực hiện qua quan sát và phân tích giờ dạy của GV.
  • Đề xuất một số giải pháp sư phạm góp phần nâng cao chất lượng DH XS-TK trong các trường Đại học Y, Dược.
  • Thiết kế một đồ án DH và triển khai theo định hướng các giải pháp đã đề nghị, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết của quan hệ cá nhân SV đối với các đối tượng O.

4. Giả thuyết khoa học

Theo cách tiếp cận của Didactic Toán, giả thuyết khoa học không nảy sinh ngay từ lúc khởi đầu, mà chỉ có thể được hình thành từ những nghiên cứu tri thức luận và sư phạm. Như chương 4 và chương 5 của luận án sẽ chỉ ra, các nghiên cứu đó cho phép chúng tôi nêu lên hai giả thuyết khoa học sau:

Giả thuyết 1: Tồn tại hai quy tắc R1, R2 sau đây của hợp đồng DH cho phép giải thích sai lầm của SV:

R1: SV không có trách nhiệm kiểm tra tính chuẩn của DL khi KĐ giả thuyết so sánh hai trung bình thực nghiệm độc lập.

R2: SV luôn sử dụng phép kiểm hai đuôi khi KĐ giả thuyết so sánh hai trung bình thực nghiệm độc lập.

Giả thuyết 2: SV có thể nhận ra sai lầm của mình thông qua hoạt động giải quyết các tình huống phá vỡ hợp đồng, được thiết kế theo quan điểm của phương pháp DH tích cực, trong đó yếu tố môi trường cho phép họ bác bỏ sự vận dụng một kỹ thuật ở ngoài phạm vi hợp thức của nó.

5. Những luận điểm cần bảo vệ

    - Một số kết quả thu được từ nghiên cứu thực tiễn sử dụng và DH XS-TK.

    - Đặc trưng tri thức luận của KĐ giả thuyết TK nói chung, của PPC nói riêng.

    - Đặc trưng thể chế của KĐ giả thuyết TK và PPC

    - Những sai lầm trong KĐ giả thuyết TK ở SV và nguồn gốc của chúng.

    - Một số biện pháp nhằm cải tiến chất lượng đào tạo về XS – TK ở đại học Y – Dược. Đồ án DH và thực nghiệm kiểm chứng.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

        · Luận án giới thiệu một số công cụ lí thuyết của Didactic Toán, trong sự kết nối với quan điểm DH tích cực, làm phong phú thêm kho tàng Lý luận và Phương pháp DH môn Toán ở nước ta.

        · Về mặt phương pháp luận, luận án củng cố thêm lợi ích của cách tiếp cận đối tượng tri thức đã được một vài công trình nghiên cứu công bố gần đây. Cách tiếp cận này có một số điểm khác so với tiếp cận từ quan điểm của Lí luận và phương pháp DH toán thường được áp dụng trong nước. Đặc biệt, đó là việc vận dụng phép biện chứng giữa nghiên cứu tri thức luận với nghiên cứu thể chế và phương pháp hợp thức hóa nội tại (thay vì cách hợp thức hóa ngoại vi).

        · Luận án đã góp phần làm rõ các yếu tố thuộc đặc trưng tri thức luận và thể chế của một đối tượng tri thức quan trọng luôn hiện diện trong hoạt động nghề nghiệp và nghiên cứu của các bác sĩ – KĐ giả thuyết TK. Qua đó, luận án cũng đã chỉ ra ảnh hưởng của sự lựa chọn của thể chế đến hiệu quả đào tạo về XS-TK cho cán bộ y tế.

        · Cuối cùng, luận án đã kiểm chứng tính khả thi và hiệu quả của một đồ án DH KĐ giả thuyết TK từ quan điểm DH tích cực.

            Với những đóng góp trên, chúng tôi hy vọng rằng luận án sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà lập chương trình đào tạo ngành Y, các tác giả viết giáo trình XS-TK cho SV Y khoa và cho GV, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế.

7. Cấu trúc luận án

Với những nội dung nghiên cứu đã xác định, luận án được tổ chức trong 6 chương như sau:

    - Chương 1: Cơ sở lý luận

    - Chương 2: Xác suất thống kê và y học: Từ toán học đến những nghiên cứu thực tiễn đầu tiên

    - Chương 3: Kiểm định giả thuyết thống kê và phân phối chuẩn: một phân tích     tri thức luận

    - Chương 4: Kiểm định giả thuyết thống kê và phân phối chuẩn: một nghiên cứu thể chế

    - Chương 5: Nghiên cứu thực hành dạy học của giảng viên và quan hệ cá nhân của sinh viên với đối tượng O.

    - Chương 6: Các giải pháp sư phạm và nghiên cứu thực nghiệm.

Với nhiều năm kinh nghiệm và lòng tận tâm, chúng tôi cam đoan cho ra đời những luận văn đạt chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Nếu bạn không có thời gian làm luận văn, thời gian làm bài của bạn không đủ. Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi, để chúng tôi giúp bạn.

Hotline : 094.203.1664

Email   : hotroluanvan2013@gmail.com (khuyến khích liên hệ qua email)

Website : http://vietluanvanonline.com

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme