TÍNH CÁCH VĂN HÓA CON NGƯỜI NAM BỘ TRONG TIỂU THUYẾT “TẤM VÁN PHÓNG DAO” CỦA MẠC CAN (HỖ TRỢ LUẬN VĂN)

PERSONALITY AND CULTURAL OF SOUTHERN MAN IN “TAM VAN PHONG DAO” OF MAC CAN

          Abstract: Vietnamese literature are powerful movement. Especially in the novel. Exposure to these authors, it's easy to see the creative personality tied to regions where they live. The work of the writer often reproduce clearly the character of human culture, their hometown. That create richness, authentically, close to Vietnam literature of XXI century.The famous writer in the is Mạc Can. He bring him own personality to the literature. His works reflected the cultural and personality of south man. The novel “Tam van phong dao” is too. Works portraying important people of gratitude, tolerance, realistic, outspoken.

 Keywords: Mac Can, “Tam van phong dao”, the personality of south man.

 

    Tóm tắt:   Những năm đầu thế kỷ XXI, văn học Việt Nam có sự vận động mạnh mẽ với nhiều cách tân, sáng tạo, mang đậm chất hiện đại song không kém phần nhân văn. Điều này thể hiện rõ rệt trong thể loại tiểu thuyết. Khi tiếp xúc với những tác giả này, ta dễ dàng nhận thấy cá tính sáng tạo gắn với vùng miền nơi họ sinh sống. Tác phẩm của các nhà văn thường tái hiện rõ tính cách, văn hóa con người quê hương họ. Chính điều đó góp phần tạo nên sự phong phú, chân thực, gần gũi cho nền văn học Việt Nam trong thế kỷ XXI. Một trong những tác phẩm như vậy là tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can. Tác phẩm mang đậm khí vị riêng của con người Nam Bộ làm ta không lẫn vào đâu được. Đó là tính cách trọng nghĩa, bao dung, bộc trực và thực tế.

      Từ khóa:  Mạc Can, “Tấm ván phóng dao”, tính cách người Nam Bộ

 

  1. Giới thiệu vấn đề

1.1.                  Khái luận về vùng văn hóa Nam Bộ và tính cách con người Nam Bộ

          1.1.1. Vùng văn hóa Nam Bộ

          Nam Bộ là vùng bao gồm các tỉnh châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long, nằm trong hạ lưu hai con sông Đồng Nai và Cửu Long. Điều kiện tự nhiên của vùng đất vô cùng thuận lợi cho sản xuất. Chính vì thế, từ khi được khai phá cho tới nay, vùng đất này đã thu hút số người nhập cư đông đảo, tạo nên một lãnh thổ vừa phát triển về kinh tế, vừa đặc sắc về văn hóa. Do lịch sử hình thành muộn, Nam Bộ có nền văn hóa mang tính pha tạp từ nhiều vùng miền. Song tuy vậy, nét đặc trưng chính vẫn là sống gắn bó với thiên nhiên, vừa giản dị lại vừa sôi nổi, phóng khoáng.

          1.1.2. Tính cách con người Nam Bộ

           Sống trên mảnh đất mang nét văn hóa đặc trưng của người dân đi khai phá, ngay từ xa xưa, con người Nam Bộ đã hình thành nên nét tính cách riêng. Khi nhắc tới con người Nam Bộ, ta có thể nhắc tới những tính cách sau:

           - Tính trọng nghĩa: Bất cứ người Nam Bộ nào cũng đều rất coi trọng tình nghĩa như một nguyên tắc sống bất di bất dịch. Từ xưa, con người Nam Bộ đã đề cao đạo lí nhân nghĩa: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”, “trọng nghĩa khinh tài”, “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”,“thương người như thể thương thân”,… Nó bắt nguồn từ một cuộc sống cần có sự đoàn kết trong khai phá thiên nhiên hoang dã. Rồi sau đó, nó trở thành một chân lí sống để giáo dục đạo đức của con người trước môi trường đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lừa lọc.

         - Tính bộc trực: Người Nam bộ còn rất bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng, rào trước đón sau; khi gặp những chuyện bất bình hoặc không vừa ý thì họ sẽ nói ngay. Cách nói chuyện rất phóng khoáng, mộc mạc, cho ta cảm giác rất gần gũi, bình đẳng, không câu nệ nghi thức, phép tắc.                 

          - Tính bao dung: Tuy có thể còn khó khăn, nhưng họ vẫn sẵn sàng cưu mang giúp đỡ những người khốn khổ hơn mình. Sự bao dung, tương trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn ấy gắn liền với tính cách trọng nghĩa tình của người dân Nam Bộ. Sự bao dung ấy còn là sự tha thứ cho những lỗi lầm của người khác một cách dễ dàng. Trong bản thân con người Nam Bộ, cuộc sống tinh thần vui vẻ là điều quan trọng. Họ không thích giữ những mối tư thù chuốc oán trong lòng.  

           - Tính thiết thực: Tính thiết thực ở đây nghĩa là họ hiểu cuộc đời, biết phải sống thế nào cho phù hợp hoàn cảnh. Nhiều người nơi khác còn nhận xét đó là sự năng động, thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh, dù khắc nghiệt, với các yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần mới. Thậm chí, họ còn cải biến để hòa hợp với điều kiện mới. Chính điều này đã tạo cho người dân Nam Bộ có một cuộc sống kinh tế năng động hơn so với các vùng miền khác.      

            1.2. Giới thiệu về Mạc Can và tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”

1.2.1. Nhà văn Mạc Can

            Mạc Can, tên thật Lê Trung Can (sinh năm 1945) tại một chiếc ghe hát trên sông Tiền thơ mộng. Hiện ông đang sinh sống tại Sài Gòn: 54/29/23 KP4, phường Bình Trị Đông, Quận Bình Thạnh, TPHCM. Ông có bút danh khác là Anh Vũ.

Mạc Can bước vào làng văn khi tuổi đã xế chiều. Tuy vậy, ông thể hiện mình vẫn là một cây bút trẻ khi nội lực viết của ông còn sung mãn hơn nhiều nhà văn trẻ. Ông rất thành công trong tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tấm ván phóng dao” của ông đã đoạt nhiều giải thưởng: giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam (2005);giải thưởng văn học nghệ thuật của UBND TP. Hồ Chí Minh (2003 - 2005),..Hiện ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ trong thời kì đương đại. Văn của Mạc Can rất dung dị song chân chất, thành thật và đầy nhân văn như trải nghiệm cuộc sống.Mạc Can đem đến cho văn học đương đại là vẻ đẹp riêng của văn chương Nam Bộ mà ít người có được.

1.2.2. Tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”

            Tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can có nhiều yếu tố mang tính tự truyện, mang ý nghĩa đời tư, có tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cuốn tiểu thuyết kể về một gánh xiếc gia đình, trôi nổi trên những dòng sông con kênh, những xóm làng Nam Bộvới nghề bán thuốc dạo và làm ảo thuật nuôi thân. Mỗi lẫn tới tiết mục biểu diễn phóng đao, cô con gái út của gia đình lại phải đứng phơi thây trên tấm ván chịu trận. Hình ảnh ấy trở thành câu hỏi chất vấn đầy day dứt cho người đọc: tại sao có những người suốt đời đứng chịu trận những mũi dao phi thẳng vào cơ thể mình. Sau cùng, với cái cơ nghiệp mong manh, cuộc sống nay đây mai đó cùng việc người anh nhỡ phi dao vào cô em gái làm gánh xiếc rơi vào tan rã.  

             Ngay từ khi mới ra đời, ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết có tiếng vang. Trong Tuyển tập Mạc Can của Nhà xuất bản Thanh niên, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét về Tấm ván phóng dao của Mạc Can: “là một tiểu thuyết đáng chú ý trong nhiều tác phẩm cùng thể loại xuất hiện trong vài ba năm trở lại đây, gây được tiếng vang tốt trong người đọc”. Hàn Thủy cho rằng “Tấm ván phóng dao là một tiểu thuyết rất thành công. Và, với những nhân vật chịu đựng những nỗi đau về tình anh em, tình gia đình tình người, đều có được một cuộc sống lương thiện trong một gánh xiếc rong”. [4,7]

  1.  Những biểu hiện của tính cách văn hóa của con người Nam Bộ trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”

2.1.                 Tính trọng nghĩa

        Trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”, chân dung những con người trọng nghĩa khí, tình cảm trong quan hệ gia đình, cộng đồng được Mạc Can đặc biệt chú ý. Những con người ấy dù nghèo khó nhưng luôn biết quan tâm tới người khác. Đó là ông Hai, ông Ba, bà Tư - những con người bị chính nghề nghiệp của mình tàn phá nhưnghọ có tấm lòng biết quý trọng sự sống của bản thân và người khác. Chân dung họ làm nổi rõ vẻ đẹp tính cách “trọng nghĩa khinh tài” đặc trưng của con người Nam Bộ vừa để lại cho câu truyện đậm đà chất nhân văn.

             Nhân vật nào trong truyện cũng sống chỉ một nửa cho mình còn một nửa vì tình nghĩa gia đình. Nếu không biết trọng tình cảm gia đình thì con người ta còn trọng được điều gì trong xã hội. Tình nghĩa gia đình làm các thành viên gắn kết với nhau. Trong đó, nhân vật anh Ba là người hay trăn trở nhất về niềm vui, nỗi buồn của các thành viên trong gia đình nhất. Cậu lo lắng đến nằm mơ thấy bi kịch của gia đình xảy ra. Vì trách nhiệm với gia đình, cậu cầm mảnh ván cho anh trai phóng dao. Nhưng cũng chính vì trách nhiệm ấy, cậu lại cầu xin cha mẹ hãy bỏ tiết mục phóng dao đó đi. Đến khi tai họa gia đình xảy ra, ta mới thấy rõ: đồng tiền bây giờ không quan trọng mà cái cần nhất là tính mạng con người, là nghĩa tình của các thành viên trong gia đình.

          Hình ảnh bà Trần trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” cũng là chân dung về con người trọng tình cảm gia đình. Dù gặp ông chồng giang hồ lãng tử nghèo rớt mồng tơi song bà không chê bai. Người phụ nữ ấy vẫn cố gắng chăm chỉ siêng năng, tằn tiện để lo cho chồng và ba đứa con.

           Nhân vật anh Hai trong tiểu thuyết lại là bức chân dung trái chiều về con người trọng nghĩa trong gia đình. Hình ảnh anh trong mắt mọi người: lạnh lùng, ít nói, không màng đến nỗi đau của con người xung quanh, cho dù đó là tình cảm ruột thịt. Nhưng thực ra, anh làm nghề phóng dao biểu diễn vì muốn gia đình khấm khá hơn. Sự lo lắng cho vật chất của gia đình lấn át cả suy nghĩ về tính mạng của cô em gái.

           Cuốn tiểu thuyết không chỉ tái hiện tình cảm trong gia đình mà còn cho ta thấy cả tình nghĩa giữa những con người xa lạ. Đó là tình yêu giữa anh Hai của gia đình làm xiếc và cô bé Phương. Tình cảm của hai người muốn vượt lên sự ngăn cấm của gia đình thể hiện sự coi trọng tình yêu lứa đôi của con người Nam Bộ. Đặc biệt là hình ảnh Phương - người con gái xinh đẹp, hiền thục. Cô đem lòng yêu người anh Hai một cách chân thành, vô tư, trong sáng. Cô vẫn xem những buổi diễn dù không hề thích trò chơi phóng dao. Nhưng tình yêu lại không thành làm cô gái vô cùng đau khổ.

            Mỗi con người một số phận, một suy nghĩ nhưng tất cả đều giống nhau là ẩn chứa trong mình một tình yêu sâu sắc, dù là người thân trong gia đình hay người xa lạ. Tình yêu ấy gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm chứ không chỉ là lời nói thoáng qua. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ làm con người trở nên người hơn, đẹp hơn rất nhiều.

           3.2. Tính bộc trực

          Tính cách bộc trực của các nhân vật trong “Tấm ván phóng dao” một phần thể hiện ở lối sống thoải mái, dung dị, không cần phải giữ ý với nhau; một phần thể hiện ở những suy nghĩ, hành động mạnh mẽ, có phần phóng khoáng song thành thực, thẳng thắn.

           Tính cách ấy thể hiện ở những suy nghĩ tuy chua xót song thành thực. Khi chứng kiến cảnh gia đình phải sống khổ sở về tinh thần với trò phóng dao, anh Ba đã dám nói thẳng: “Tôi thấy rõ điều mọi người lấm lét né tránh, hột cơm xấu hổ mà mọi người ăn hàng ngày phải chăng từ máu của em tôi, nếu như một ngày nào đó cái chết sẽ tới như tôi dự đoán, điều này nào có phải là tưởng tượng thái quá, nó đã cận kề, một sự thật hiển nhiên nhãn tiền. (…) Ác nghiệt thay máu chảy ruột mềm, chính tôi cũng bị số phận đóng đinh, vì chính tôi cũng đã dự phần trong cái trò chơi bạo lực có vay có trả này” [2, 125]. Câu nói đầy triết lí ấy là sự bộc lộ thẳng thắn suy nghĩ dồn nén, sự phản kháng bấy lâu của nhân vật với trò diễn nguy hiểm. Thậm chí, sự phản kháng này còn được bộ lộ qua hành động khá con nít: khóc thúc thít, cầu xin ba mẹ “cha muốn con làm cái gì con cũng làm, cha đừng bắt con vẽ cái mặt hề đi rao bẳng, con khổ lắm, tụi nó chọc con là thằng hề lưng gù hộc máu…”

             Đôi lúc, tính cách bộc trực ấy cũng được thể hiện ở sự bày tỏ nỗi tức giận cao độ. Trong một lần diễn cảnh phóng dao, thảm hoạ xảy ra: Anh Hai đã phóng trúng cô Tư.Vốn biết trước điềm xấu ấy lại thêm với sự uất ức, căm hờn dồn nén bao lâu, anh Ba đã xông vào đâm anh trai nhưng may mắn có người ngăn kịp. Chưa nói đúng sai, ở đây ta chỉ thấy hành động của anh Ba là sự thể hiện trung thực những suy nghĩ, bất bình của bản thân mình và nó bị đưa lên đến hành động bộc phát tới cao trào, không kiểm soát được.

2.2.                 Tính bao dung

          Tính bao dung của nhân vật trong “Tấm ván phóng dao” là tính cách gây xúc động nhất. Những đoạn văn miêu tả cảnh anh em nương tựa nhau trong một gia đình, sự tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của con người với nhau thực sự làm ta phải suy nghĩ về cách sống của ta trong gia đình.

          Sự bao dung ấy thể hiện rõ nhất trong tình cảm của người anh Ba dành cho cô em út. Trong gia đình, anh Ba thương em và cũng hiểu cho hoàn cảnh của em nhất.Có lẽ trong gánh xiếc gia đình ấy, cô út là người thiệt thòi nhất. Ngày ngày phải phơi thân, chịu những mũi dao phi tới để mua vui cho thiên hạ. Nếu người anh cả không chú ý , tập trung thì ngay lập tức lưỡi dao sắc bén có thể làm cô em mất mạng.Người anh thứ hiểu rõ nỗi lòng của cô bằng tình cảm vừa thương xót vừa bất bình. Mỗi lần nhìn em mình trầm lặng đi trước công việc nguy hiểm, người anh dâng trào nỗi xót xa. Cậu thương người em gái nhỏ bé đang ngày càng gầy guộc xanh xao trước nỗi sợ hãi nguy hiểm cứ theo mình không dứt.Ta cảm tưởng, ánh mắt của anh Ba theo dõi em không rời. Anh biết được cái thần thái sợ hãi khi người em bắt đầu hiểu ra những lưỡi dao bén thật, khi cô em ngồi nhìn mẹ tôi làm cá, bằng một con dao bằng thép thật bén….Ánh mắt ấy như cuốn nhật kí ghi lại cả toàn bộ tâm tư của em gái qua những hành động đặc biệt: “Những ngày sau đó, nó cứ ngồi một chỗ lấy tay che mắt, tối lại diễn xong màn phóng dao tôi thấy em tôi khóc, nó đã biết sợ” [2, 47]. Hàng ngày đứng trên sân khấu, anh Ba luôn dõi theo những cử chỉ của người anh trai, hồi hộp, sợ hãi.Anh như muốn ôm lấy cô em gái, che chở cho cô, thay thế vị trí đứng mua vui ấy hộ em mình: “Tôi lo cả ngày lẫn đêm, tôi muốn tấm ván oan nghiệt này biến mất đi cho rồi, tôi lo cho em gái tôi. Càng lo hơn, vào một buổi trưa trong nhà lồng chợ vắng người, tôi thấy anh tôi ngồi tỉ mỉ chùi thật bóng bộ dao bén, gia tài của anh”. Đã nhiều lần anh van xin cha đừng cho em mình đứng trước tấm ván phóng dao nữa.

          Dần dần, tình thương ấy trở thành sự bất bình, bất mãn vô cùng trước trò mua vui độc ác này: “Biết bao đêm tôi cứ suy nghĩ về cái sự vô lý của trò diễn đầy bạo lực nầy, một người đứng im cam chịu hàng chục lưỡi dao bén ném về phía mình” [2, 30]. Người con gái thật mong manh, yếu đuối thế mà không hiểu tại sao người đứng sau tấm ván nhận những mũi dao luôn là một phụ nữ. Rồi cậu thầm trách người anh vẫn nhẫn tâm thực hiện công việc ấy mà không hề lo lắng cho tính mạng em gái mình.

     Cô em gái cũng dành cho anh mình tình cảm thấu hiểu và bao dung. Tuy ít nói, hay trầm tư song tình cảm thương mến anh vẫn bộc lộ thầm kín. Mạc Can đã rất thành công khi xây dựng  những đoạn độc thoại của cô út: “Gió ơi, nói nầy nghe nè biết không, người anh thứ ba của tôi có vẻ khác thường với mọi người vì vậy mà anh cô độc, tội nghiệp anh phải chịu đựng quanh năm suốt tháng với những ánh mắt trêu chọc của tất cả thế gian. Tới như tôi là em một nhà với anh mà cũng có khi mỉm cười, lúc nào trông thấy anh, chuyện anh từ chối làm thằng hề đi rao bảng là anh từ chối xuất hiện trước đám đông một cách lố bịch, không ra hình người, tôi nghĩ anh có quyền được từ chối các điều không chính đáng một cách khiêm tốn phải chưa” [2,62]. Cô em thấu hiểu cho nỗi khổ của anh mình, tán đồng với mong muốn nhỏ nhoi của anh. Có lẽ sự đồng cảm này đã kéo hai người lại gần nhau.

   Sau này, khi về già, côem út thành người bị bệnh với di chứng của mũi dao trên đầu. Nhưng cuộc sống lủi thủi cũng được làm ấm phần nào bởi sự chăm sóc của ông Ba – người anh Ba năm xưa. Dù bản thân cũng bệnh tật, khó khăn, chỉ làm nghề đạp xích lô song ông vẫn ghé thăm, giúp đỡ em. Cả hai cùng ngồi vẩn vơ lúc nhớ lúc quên chắp nối câu chuyện u buồn trong quá khứ: “Tôi sinh ra trên một dòng sông, mái nhà của gia đình tôi là mui một chiếc ghe nhỏ. Cha tôi một người hát rong, sống lưu linh lưu địa, ông có tánh hào phóng vô lo lại khá nóng nảy,… Còn mẹ tôi là một người đàn bà, bình dân, vui tánh, bà không biết một chữ cái đổi lại nhiều trí tưởng tượng” [2, 9 - 10].

           Quả thực, anh Ba dành cho em không chỉ sự quan tâm mà cả sự bao dung, bao bọc hiếm thấy. Nó không phải về vật chất mà là sự động viên tinh thần, giúp cô em gái còn lí do sống giữa cuộc đời đầy bất hạnh. Sự nương tựa, bao bọc giữa hai con người tưởng như cận kề với cái chết nhưng vẫn nương tựa nhau để sống làm ta thực sự cảm động.

Cái nhìn thấu hiểu, bao dung ấy không chỉ của anh em trong gia đình làm xiếc mà của cả những con người xa lạ, trong đó có Phương – người yêu của anh Hai. Tác giả để nhân vật xuất hiện thoáng qua song cũng đủ cho ta thấy chân dung một cô gái thánh thiện nhấtgiữa một đời sống ô hợp, đầy tính vụ lợi và bạo lực.Cô không thích màn phóng dao bởi cô biết cô út đứng trước tấm ván chắc là “hằng đêm cô khóc thầm” [2,103], cô thông cảm cho anh Hai vì miếng cơm manh áo mà phải làm công việc với vẻ hốc hác đến tội nghiệp. Phương chính là hiện thân của đức từ tâm, lòng thương xót con người.  

Sự bao dung ấy còn là sự thấu hiểu, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Mong muốn làm tiết mục phóng dao của anh Hai làm anh Ba bất bình. Đầu tiên, anh Ba nghĩ anh mình muốn nổi tiếng song dần dần, bằng cái nhìn đồng cảm, anh đã thấu hiểu vẻ đẹp tâm hồn anh mình.: “Lần đầu tiên tôi biết thương anh, gần gũi với anh. Tôi khám phá anh dễ thương hơn là tôi tưởng, tuy nhiên, bỗng tôi thấy mình có lỗi với anh” [2,80]. Người anh vất vả với tiết mục phóng dao chỉ vì miếng cơm manh áo cho gia đình, thậm chí anh bỏ cả ước mơ của mình, để lại sau lưng cả tình yêu để vì gia đình. Từ đó, anh Ba thấy thương anh mình thực sự. Sau này, chuyện anh Hai gây tai nạn cho cô em gái cũng được anh Ba và mọi người nhìn nhận lại với cái nhìn bao dung, tha thứ chứ không hề trách móc, căm hờn.

          Đức tính bao dung của con người Nam Bộ trong truyện để lại cho ta nhiều suy nghĩ về lẽ sống: điều gì để cho con người muốn được sống? Đó chính là lòng biết thương người, biết bao dung trước những khổ đau, rủi ro, sai lầm của con người. Chẳng ai muốn nhìn người khác sống khổ sở cả. Sự bao dung của con người giúp ta dù ngay trong những hoàn cảnh bi thảm nhấtvẫn tha thiết được sống trên cõi thế này. Ta tin trên cõi đời cô đơn này vẫn có người yêu thương ta. Đây mới là chỗ đến cao nhất của tư tưởng tác phẩm, là cốt lõi của tư tưởng tác phẩm. Và là một nét đẹp của con người Nam Bộ mà Mạc Can muốn tái hiện lại với cái nhìn tự hào.

2.3.                 Tính thiết thực

          Trong cuốn tiểu thuyết, ta còn gặp một nét tính cách đặc trưng của con người Nam Bộ. Đó là tính thực tế. Hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết đều có mục đích cụ thể, vì miếng cơm manh áo trước mắt. Dù đôi lúc nhân vật có suy tưởng nhưng nó cũng bắt nguồn và kết thúc ở hiện thực còn nhiều đau đớn ngay trước mắt chứ không viển vông, mơ mộng. Từ đó, họ chọn cho mình một sống phù hợp với hoàn cảnh.

         Người anh thứ Hai vốn bản tính hiền lành, có nhiều mơ ước song cuộc sống vật chất trước mắt làm anh chọn một công việc thực tế hơn: biểu diễn phóng dao. Sự lựa chọn ấy cũng được cân nhắc kĩ: “Nhà mình nghèo quá, cứ sống lang thang, anh muốn làm một chuyện gì đó lớn hơn để đổi đời, sống chết một lần, mình lại chỉ có một đời, ít vốn quá” [2, 49]. Công việc phóng dao của những đứa bé đang trôi dạt trong gánh xiếc kia dù gì cũng là một hành động thực tế nhằm cứu vãn gia đình khỏi cảnh chết đói đang trực chờ trước mắt.

  1. Kết luận

          Là một người dân Nam Bộ “thứ thiệt”, Mạc Can dễ dàng chuyển tải chất Nam Bộ vào trong các trang viết như một lẽ tự nhiên. Trong đó, tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” thể hiện rõ nhất chất Nam Bộấy. Bằng lối viết tâm tình như lời hồi kí, tự truyện, ông đã dẫn bạn đọc đi gần lại, thật gần với những con người miền Nam. Tính cách họ hiện lên thật rõ ràng. Quả thực, nếu Hồ Biểu Chánh là người bắt đầu khắc tạc lên chân dung con người Nam Bộ này Mạc Can là một trong những người tiếp tục làm bức điêu khắc ấy rõ nét, sáng đẹp hơn. Tóm lại, có thể nói thâu tóm cái nhìn về tính cách người dân Nam Bộ trong tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” qua mấy nét đặc trưng của:

          - Con người bộc trực

          - Con người thực tế

          - Con người bao dung

     - Con người trọng nghĩa tình

            Qua đó, tác giả đã thể hiện được sự am hiểu và trân trọng đối với người dân Nam Bộ. Dù trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông vẫn phát hiện ra những nét đẹp đáng quý trong những người dân lao động ở vùng đất này. Tấm lòng của ông luôn hướng về với tình yêu lớn, bao dung như chính con người Nam Bộ.Phải chăng, vì thế mà tác phẩm của ông tạo được tầm đón nhận rộng rãi và nhận được nhiều giải thưởng quan trọng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Bình (2007), Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 - một cái nhìn khái quát, Tạp chí Nghiên cứu văn học (2 - 2007), tr. 49 -54.
  2. Mạc Can (2006), Tấm ván phóng dao, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
  3. Trần Quốc Dũng (2009), Luận văn “Giá trị đặc sắc trong văn xuôi Mạc Can”, Đại học Vinh.
  4. Trần Thị Anh Đào (2012), Luận văn “Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can”, ĐH Vinh.
  5. Dương Bình Nguyên, Nhà văn Mạc Can: Hề già nhà văn trẻ, http://cand.com.vn.
  6. 46. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới.
  7. Tiểu Quyên (2006), Nhà văn Mạc Can: Nhân vật có phần cuộc sống của tôi, http://Phongdiep.net.

 

 

 

 

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme