Bi kịch cộng đồng trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (Hỗ trợ luận văn)

Tài liệu này sẽ giúp các bạn có cái nhìn khái quát về bi kịch cộng đồng trong văn xuôi VNHĐ.

Nói đến cảm hứng bi kịch là nói đến cái nhìn về những bất hạnh nói chung của con người trong cuộc sống. Bi kịch là một trong những biểu hiện tất yếu của cuộc sống trong mọi thời đại và nó sẽ là cảm hứng thường xuyên của một nền văn học tiến bộ luôn lấy con người làm đối tượng trung tâm trong sự phát triển bình thường của văn học. Trong văn chương Việt Nam 1945 -1975, cảm hứng bi kịch dường như không tồn tại, và điều này có nguyên do của nó, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại trong luận văn này. Sau 1975, và nhất là sau 1986, khi cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường, cảm hứng bi kịch trở thành một trong những cảm hứng nổi bật trong văn học nói chung và trong tiểu tuyết nói riêng.

Sống trong xã hội thời bình họ có điều kiện nhìn lại quá khứ. Chiến tranh được nói đến như những đau thương mất mát, những người lính ra đi là đã dành cả phần đời tươi đẹp nhất của mình cống hiến cho cuộc chiến tranh chung. Người lính trong tư thế trở về lại mang “nỗi buồn được sống sót”. Họ cảm thấy mình “bị bắn ra khỏi lề đường” (Ăn mày dĩ vãng), “bị mắc kẹt lại giữa cõi đời này” (Nỗi buồn chiến tranh). Họ cô độc và chẳng có gì trong chuỗi ngày bất tận, nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm” của hiện tại. Họ không có gì bấu víu ngoài “mảnh quá khứ phập phồng đập vào trong lồng ngực ọp ẹp”.

Họ hụt hẫng, đau xót và phẫn nộ trước thái độ thờ ơ của mọi người đối với cuộc chiến mà thế hệ họ đã “quăng mình vào”: “Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn gì đâu mà sao cả người ngoài lần người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao… nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác, của quốc gia khác?” (Ăn mày dĩ vãng). Và trong sự hụt hẫng ấy, cái quá khứ mà thiên hạ đang quên đi, cố quên đi lại không thôi quấn lấy họ, ám ảnh họ như thể nó là người bạn đồng hành duy nhất cùng họ vượt nốt chặng đời còn lại. Nếu Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) còn giữ được chút tỉnh táo để điều chỉnh những hồi tưởng của mình cho mạch lạc thì Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) hoàn toàn rơi vào trạng thái bấn loạn, rối bời, triền miên trong mộng mị, vô thức. Sẽ là bội bạc, hay thiếu văn hóa, hay là điều gì thê thảm hơn khi hình tượng người lính đẹp đẽ khi xưa đã nhanh chóng bị đồng loại vấy bùn, rẻ rúng? Cái gì đã nhanh chóng đẩy người lính trượt từ nấc thang cao vọi: anh giải phóng quân, xuống nấc trung tính: người lính, và… “dưới đáy”: lính tráng, như một hình dung từ mỉa mai cay độc nhất? Là tại họ hay tại cộng đồng họ?... Vì vậy, chiến tranh đã gắn với người lính như một “thân phận”. Trong Nỗi buồn chiến tranh, hai chữ “thân phận” luôn luôn ám ảnh tâm trí Kiên. Trước khi bước vào cuộc chiến, trong giờ khắc ngắn ngủi bên Phương để thật sự chia lìa, anh cảm thấy “sự bất lực và nhỏ bé của thân phận, của nỗi niềm riêng tư của một hai con người giữa biển đời”. Sau chiến tranh nhìn lại, anh càng thấm thía “thân phận con sâu cái kiến” của người lính trước “gánh nặng bạo lực”. Chiến tranh là “nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh” và khi đi tìm ý nghĩa thực của đời mình, Kiên thấm thía một điều rằng: mình và bao đồng đội đều là nạn nhân của cuộc chiến, dù kẻ mất người còn nhưng “mỗi người đều bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng”. Sự sống sót của Kiên xét đến cùng là một sự chết dần về tinh thần. Đã có lúc anh tin rằng mình đã phục sinh, “nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện” và cuộc đời mới của anh “chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh”.

Đối diện với cuộc sống mới, con người luôn mang trong mình cảm giác cô đơn, lạc lõng. Nếu như tướng Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp lạc lõng, cô độc ngay trong ngôi nhà của mình thì Nguyễn Vạn trong Bến không chồng cảm thấy cô đơn, lẻ loi trong dòng tộc, họ hàng mình. Anh bị những người trong họ rẻ rúng, họ định cho Vạn về ở từ đường chỉ vì sợ dư luận xã hội. “Tôi cũng định thế - Nguyễn Khiên nói - chả lẽ để anh ra ở đình Đông, e làng xóm chê cười cả họ nhà mình. Dù sao anh ấy cũng là người vẻ vang nhất làng Đông”. [1;27]. “Anh kém tính bỏ mẹ! Ai chẳng biết thằng Vạn có công, công lao của nó đối với dân với nước thì để cho dân cho nước lo nhà cho nó. Nhà Vạn xưa nay đóng góp chó gì cho họ Nguyễn” [1;27]. Ấy đấy, sự lãnh đạm của họ tộc khiến Nguyễn Vạn đã cô độc càng cô độc hơn. Tuổi trẻ cùng với những khát vọng bỏ lại nơi chiến trường, sự hy sinh cả đời của Nguyễn Vạn giờ được đền đáp bằng cái mác: Người vẻ vang nhất làng Đông.

          Bi kịch lớn nhất xâu xé tâm hồn Nguyễn Vạn là nỗi đau tinh thần - sự kìm nén bản năng khi tự khước từ tình cảm của mình đối với chị Nhân. Cả đời Nguyễn Vạn đã dành cho chiến tranh vì thế tình cảm cá nhân, riêng tư là một thứ gì đó rất xa xỉ đối với anh. “Cả đời Vạn đã có một mối tình nào đâu mà biết nỗi buồn và niềm vui lạc thú của tình yêu” [1;221]. Hy sinh hạnh phúc riêng tư để phục vụ quê hương đất nước là việc làm rất đỗi bình thường, điều bất thường ở đây là khói lửa chiến tranh đã lùi xa nhưng Nguyễn Vạn vẫn không chịu trải lòng ra để đón nhận những tình cảm thiêng liêng mà thượng đế ban tặng cho con người, tại sao như thế? Phải chăng khói lửa chiến tranh đã thui chột ngọn lửa tình trong tâm hồn Vạn? Không! Khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc vẫn cháy âm ỉ trong lòng Nguyễn Vạn. Chẳng phải anh đã thừa nhận mình có tình cảm với chị Nhân đó sao. “Hạnh ơi cháu không hiểu đâu - Vạn run run đưa tay nắm lấy bàn tay con Hạnh - Chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu” [1;70]. Một tình cảm đẹp, nhân bản, nhân văn thế vì sao anh phải chối bỏ? Lí tưởng của một chiến binh chiến thắng Điện Biên không cho phép anh làm như thế? Đúng nhưng chưa đủ. Cảm thấy có lỗi với người đã khuất - chồng chị Nhân - người bạn chiến đấu của mình? Chưa hẳn. Định kiến, dư luận xã hội cùng với lời nguyền của cụ tổ chính là sợi dây vô hình trói buộc tình cảm Vạn. Nghĩa cũng rơi vào bi kịch tương tự. Sao bao năm chiến đấu nơi chiến trường, ngày trở về thăm gia đình, gặp lại người vợ thân yêu nhưng Nghĩa lại không thể sinh hoạt vợ chồng, có nỗi đau, thất vọng nào hơn. “Hạnh ơi - Nghĩa nói - Anh không muốn em buồn. Anh không thể… Bác sĩ dặn anh còn phải kiêng chừng một năm nữa. Vết thương của anh chưa lành hẳn” [1;209]. Tuy nhiên mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Chiến tranh đã để lại di chứng trên cơ thể anh mà anh nào có biết. Sau nhiều lần sinh hoạt vợ chồng nhưng Hạnh vẫn không mang thai. Nỗi khát khao có con ngày càng cháy bỏng - cùng với sức ép của gia đình dòng tộc khiến Nghĩa vô cùng rối rắm. Không chịu nỗi sức ép từ gia đình, dòng họ Nghĩa, Hạnh đã chủ động làm đơn li hôn nhằm tạo điều kiện cho Nghĩa tìm đứa con nối dõi tông đường.

Sau chiến tranh con người nhận ra mình mất mát quá nhiều. Họ mất đi cả cái quyền được làm cha, làm mẹ. Họ rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng tinh thần.

Người phụ nữ phải sống trong chờ đợi, hi vọng, khi “quá lứa lỡ thì” nhiều người trong số họ trở thành quá phụ khi đương còn xuân, giấu kín đời mình và giấu kín những khao khát cháy bỏng chân chính là sứ mệnh đè nặng lên trái tim họ. Bởi “làm người đà bà góa có muôn ngàn nỗi nhục, buộc chặt thắt lưng, thắt chặt dây yếm không dám để thiên hạ nhìn thấy bầu vú còn tròn căng; trông thấy người đàn ông khỏe mạnh, gân guốc, má bỗng ửng đỏ, người nóng bừng, phải quay mặt đi tự xỉ vả mình”[5;tr.470]. Nỗi đau âm ỉ nhưng bỏng rát hơn khi bao nhiêu ngày tháng chờ đợi chồng về bỗng dưng cánh cửa hạnh phúc càng đóng chặt bởi người về mang nỗi đau không nói thành lời! Những người chồng mặc áo lính trở về với bến bờ hạnh phúc nơi làng quê của mình, nhưng lại không còn khả năng làm “đàn ông” để giúp người vợ trẻ làm tròn thiên chức của mình, uất nghẹt bởi đắng cay không nguôi.

Bi kịch hôn nhân, gia đình không dừng ở đó. Người phụ nữ đã hi sinh một đời để chờ chồng, chờ con từ chiến tranh trở về, nhưng cái mà họ nhận được chỉ là những mất mát đau thương. Những hy sinh, mất mát quá lớn đã ám ảnh chị Nhân (Bến không chồng) khiến chị lúc nào cũng sống trong những ảo giác nặng nề. “Đêm chị nằm mơ thấy cả ba bố con nó dẫn nhau về oán trách. Chị nhìn vào mắt chồng mắt hai đứa con cứ cháy rực lên - Chồng chị nói: “Mình là kẻ giết người, là mụ đàn bà độc ác! Tôi đã đi rồi sao mình không để các con được sống?” - Thằng Hà nói: “Bố và con đã đi rồi sao mẹ không để cho em con được sống?” - Thằng Hiệp nói: “Sao mẹ lại vui mừng khi con đi vào chỗ chết?”[1;228-229]. Lương tâm chị giằng xé, sự hy sinh của chồng con như từng lưỡi dao cứa vào lòng chị. Những vết hằn đó sẽ không bao giờ nhòa phai trong tâm trí chị. Đau thương, ám ảnh đó đã dẫn đến bi kịch của trạng thái tâm thần phân liệt, họ bị khủng hoảng về tinh thần. Đây là mất mát và là bi kịch không của riêng một người phụ nữ nào, những vết hằn đó sẽ không bao giờ nhòa phai trong tâm trí họ.

Từ bi kịch của những người trực tiếp chiến đấu nơi hòn tên mũi đạn cho đến nỗi khắc khoải chờ mong của những người mẹ, người vợ nơi quê nhà. Có thể nói Dương Hướng đã thể hiện rất thành công những nhân vật nữ trong Bến không chồng. Với bút pháp sắc sảo cùng với một tâm hồn nhạy cảm, Dương Hương đồng cảm đến sâu sắc nỗi đau của họ. Đức hy sinh, lòng vị tha đã làm nên những phẩm chất quý giá của người phụ nữ Việt Nam nói chung, trong Bến không chồng của Dương Hướng nói riêng. Chung quy lại, có thể thấy rằng bi kịch của những người phụ nữ trong Bến không chồng là sau chiến tranh không một người phụ nữ nào có chồng. Họ rơi vào tình trạng quanh năm suốt tháng, quanh quẫn mãi nơi các làng quê chỉ còn lại phụ nữ và một số ít đàn ông tật nguyền, thiểu năng lực và ngớ ngẩn về trí tuệ: “Bây giờ bói cũng chả còn đứa con trai nào nhìn cho được mắt. Đứa nào không đui què, sứt môi, tai điếc thì mười bảy tuổi đã đòi khai thêm một tuổi để đi khám nghĩa vụ” [1;tr.139]. Tâm trạng chung của những người phụ nữ trải qua chiến tranh thường mang nỗi cô đơn khắc khoải vì phải sống “chốn giáp ranh giữa địa ngục và trần gian” và tiếp xúc với những người cùng giới với nhau trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Họ là những người phụ nữ trong Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Dòng sông mía (Đào Thắng), Thời xa vắng (Lê Lựu).

Đằng sau bi kịch về tinh thần ấy là gánh nặng vật chất phải lo toan. Cả một đời họ luôn lo lắng sao cho đủ cái ăn cái mặc. Cuộc sống sau chiến tranh còn nhiều bộn bề, khó khăn nối tiếp khó khăn họ phải gồng mình lên để gánh vác cuộc sống sao cho không uổng công những năm tháng hi sinh trong chiến tranh để bảo vệ đất nước.

2.2.2. Bi kịch cộng đồng thể hiện trong Biển và chim bói cá

Biển và chim bói cá là câu chuyện rã đám của một công ty quốc doanh đánh cá biển. Với 500 trang viết tác giả đã bày ra hỗn độn tung tãi những mẩu đời vụn của những người làm công ăn lương cố sống cố chết đang ngoi ngóp trong nguy cơ “đắm tàu”. Họ là con người cùn mằn tội nghiệp: nhân viên văn phòng, cạo giấy, thủy thủ.. chạy ngược chạy xuôi đôn đáo, dùng mọi mánh xoay xở thảm hại để đủ sống qua ngày.

         Một thế hệ con người bị xóa sổ, bị tước đoạt niềm vui, hạnh phúc tương lai để đổi lấy quyền lợi vật chất xa hoa của một nhóm nhỏ người. Trong miêu tả của Bùi Ngọc Tấn, vừa có sự hài hước để phủ định.

Bi kịch của con người xuất phát là từ cung cách sống toát lên một cơ chế lụn bại, họ đang cố thay đổi trong cuộc cải cách “tuyệt vọng” của chế độ kinh doanh.

Chính cái cơ chế xã hội ấy đã làm cho cuộc sống con người bị đảo lộn. Những người làm ăn lương thiện thì luôn bị đe dọa, mọi tai ương đều có thể giáng xuống lúc nào không biết. Những con người với “thân phận con sâu cái kiến”, họ không có tiền, không có quyền, họ bị những kẻ mạnh hơn mình đạp lên vai. Điều này được rút ra ngay trong câu nói của ông việt kiều Rô Bớt Ly “Vấn đề là phải có nhiều tiền ông Thuyền ạ. Tôi rút ra được điều ấy. Ai có tiền người ấy là chủ xã hội. Tiền mua được tất cả. Cái gì tiền không mua được thì nhiều tiền sẽ mua được. Có tiền người ta sẽ phủ phục dưới chân ông. Không có tiền ông chỉ là cục cứt” [trang 323].

Cả một lượng lớn con người trong cộng đồng ấy chỉ là những người làm công ăn lương, họ chỉ biết phục tùng cấp trên mong không làm trái ý cấp trên để được an thân. Nhưng điều đó thật không dễ dàng gì bởi vì một khi không thuận lợi cho các sếp thì người gánh chịu hậu quả chính là những con người khốn khổ ấy. Trong câu chuyện bà Phương kể thì ta thấy rõ được điều đó: “Chỉ thiệt nhà nước. Tiền đóng góp bốn chục triệu, không biết là đầu tư vào công trình bao nhiêu. Hay là vào túi các ông ấy quá nửa. Chỉ chết những người lương thiện như anh em mình. Chỉ chúng mình là nghèo. Lương thiện là chết. Có chức có quyền giàu ngay” [trang 409]. Như vậy ta thấy được rằng đồng tiền mà nhân dân góp vào cho Nhà nước cũng sẽ lọt vào túi của những lũ tham quan, nhũng nhiễu, còn người khổ vẫn chỉ là những người nghèo khổ. Họ đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Chỉ với một cái cớ không đâu vào đâu, chỉ là cái cách làm việc không theo một qui định nào cả, những người nắm giữ chức vụ không tuân theo luật nhà nước mà chỉ lạm dụng chức quyền. Cái cảnh khám tàu ở cầu cảng đã cho thấy sự làm việc đầy khuất tất của những con người được gọi là cán bộ nhà nước: “Tàu đã làm việc với hải quan đâu vào đấy rồi. Đã đưa cho thằng Cam mười triệu rồi. Nhưng nó chê ít. Nó cho quân phục kích rình bắt được một thủy thủ mang lên một cái ti vi. Thế là kết luận tàu có hàng lậu” [trang 502]. “Sau đó các sếp ra tay là xong. Chỉ anh em chết. Tôi nhớ xong xuôi rồi có người không ăn được. Nhiều người đứng suốt đêm trên boong vịn lan can nhìn sông Sài Gòn” [trang 504].Cái trật tự nghiệt ngã đến ác độc ấy sinh ra những mảnh đời muôn sắc: nhân viên dâng vợ cho sếp, sếp của sếp thân với thằng buôn ma túy, giấc mơ được xuống tàu sang Nhật, sang Xinh ám ảnh giấc ngủ vợ chồng người lao động. Cái thật giả, tốt xấu luôn bị đánh đồng trong sản xuất, sinh hoạt, các mối quan hệ. Và kết cục tất nhiên phải đến: quốc doanh đánh cá giải thể, người lao động lãnh đủ hậu quả. Đoạn vĩ thanh cho biết về chú bé Phong mấy chục năm sau, với triết lý sống thực dụng "không có tiền nó giết mình chết". Bức tranh Bùi Ngọc Tấn dựng, đến đây đã sang màu đạo đức xã hội, khi con người ta không còn là mình nữa thì quả đã đáng báo động.  

Bi kịch cộng đồng còn là hệ lụy của một đời sống quá sung túc, giàu có. Cha mẹ nhiều tiền của nên con cái ăn chơi, sinh ra nhiều thú vui khiến cho cả một thế hệ hư hỏng “Ông đã nhìn thấy nhiều đứa con trai và cả con gái còn trẻ hơn con ông từ đâu ào vào một cái quán hàng ở bờ sông ăn uống, cười nói, rồi lại ầm ầm phóng xe đèo nhau đi vào lúc hai giờ đêm”, “Ông đã nhìn thấy một cái xác nằm co trên bãi sông, một lũ chuột đang xúm vào gặm đầu và cổ”, “Gần chục đứa còn rất trẻ hoàn toàn trần truồng ngồi bật dậy co rúm vào nhau, trong đó có hai đứa con gái đẹp mười bốn mười lăm đẹp như thiên thần” [trang 305]. Một thế hệ trẻ của tương lai lại sa đọa vào con đường chết, họ có thể chết bất cứ lúc nào, họ đánh nhau đến chết cũng không có ai thèm can thiệp, để ý. Thực trạng này là bi kịch không chỉ cho những bậc làm cha, làm mẹ mà là của một xã hội, một nhà nước. Giọng văn trần thuật tưởng chừng không hề nặng nề nhưng thực chất cả một bầu không khí nặng nề bao bọc lấy cả nhà văn và độc giả, một nỗi đau không của riêng ai trong xã hội này. Sự đóng góp này cho thấy ngòi bút nhân đạo của Bùi Ngọc Tấn, một đời ông luôn đau đáu nghĩ về xã hội, về con người.

Cả cộng đồng luôn sống trong sự ảo tưởng, ngộ nhận, mù quáng. Điều đó thể hiện ở việc họ luôn cung cúc luồn cúi, cung phụng những người trên quyền họ. Họ cho rằng chỉ có như thế thì mình mới có cơm ăn áo mặc, họ ảo tưởng rằng chỉ có “sếp”, những người có chức có quyền là những người tốt, sẽ đưa lại hạnh phúc cho mình. Sự ảo tưởng đó đã khiến họ mù quáng, họ kéo đến nhà “sếp” trên tay là phong bì tiền chỉ vì một câu báo hiệu của sếp “tàu chuẩn bị nhé. Chuyến này có một số thay đổi về nhân lực đấy”. Họ bế tắc, loay hoay mãi mà chưa tìm ra lối thoát. Họ chỉ biết ôm lấy chân các sếp, rồi chỉ biết nằm bờ chờ việc, ăn lương thất nghiệp dài dài. Rồi cũng có một bộ phận đang làm việc tại “quốc doanh đánh giậm” đang vùng vẫy cựa quậy cố công cố sức thay đổi trong một cuộc cải cách tuyệt vọng chế độ kinh doanh. Sống trong một xã hội bao cấp, họ không thể thoát ra ngoài tư tưởng thụ động. Họ sống một cuộc sống quẩn quanh đơn điệu, tẻ nhạt. Đó là Cương, là Bôn, là Chơn…và nhiều số phận khác. Họ không tìm được cho mình một con đường khác để cải thiện cuộc sống của mình, chỉ biết đi xin “tình thương” của xí nghiệp. Sống trong xã hội bao cấp họ bị thui chột về tài năng, khả năng sáng tạo, chỉ biết dựa vào người khác và tìm mọi cách để có được tình thương dù chỉ để có chén rượu để uống.

Cuộc sống của họ vốn đã khô khan lại trở nên cằn cỗi khi những ngôn ngữ chính trị với sắc thái mệnh lệnh luôn chi phối trong mối quan hệ đời thường ngay cả trong những phút thăng hoa của xúc cảm yêu đương. Câu nói nổi tiếng của Mơ “Nào! Ta sinh hoạt nào anh” là một minh chứng cho điều đó.

Bùi Ngọc Tấn đã có một cái nhìn khái quát về xã hội trên góc nhìn bi kịch của một cộng đồng. Bằng con mắt của một người đã trải nghiệm cuộc sống và bằng tấm lòng nhân hậu, chiều sâu nhân văn thấm đẫm trên từng trang viết.

Với 18 năm kinh nghiệm và lòng tận tâm, chúng tôi cam đoan cho ra đời những luận văn đạt chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Nếu bạn không có thời gian làm luận văn, thời gian làm bài của bạn không đủ. Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi, để chúng tôi giúp bạn.

Xem thêm: 

Tính cách đặc trưng của nhân vật văn học Việt Nam là gì?

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

    HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ 0942.031.664
  • VIẾT LUẬN VĂN, LÀM LUẬN VĂN THUÊ GIÁ RẺ

    hotroluanvan2003@gmail.com

chia sẽ facebook chia sẽ google chia sẽ likedin chia sẽ twitter chia sẽ twitter chia sẽ zingme